Mối quan hệ phức tạp giữa cà phê và biến đổi khí hậu
Những tác động của biến đổi khí hậu đang khiến việc kiếm sống từ trồng cà phê trở nên vô cùng khó khăn với mọi nông dân trên khắp thế giới.
Theo một kịch bản nghiên cứu từ 2014, cho dù lượng phát thải khí nhà kính ở mức khiêm tốn, khoảng 50% diện tích đất có điều kiện thích hợp để trồng hai loại cà phê chính là arabica và robusta, chiếm 99% nguồn cung cà phê thương mại “có thể biến mất vào năm 2050”.
Ảnh minh họa: Phys.
Wilston Vilchez, một nông dân trồng cà phê thế hệ thứ ba ở Nicaragua, đã chứng kiến những thay đổi khí hậu nghiêm trọng tại trang trại cà phê và ca cao rộng 25 mẫu Anh của mình trong nhiều năm. Nhưng khi hai cơn bão ập đến trong vòng 15 ngày vào năm ngoái, nhiều nông dân khác mà ông biết nhận ra họ cần cùng nhau tìm ra giải pháp.
Vilchez, hiện quản lý một hợp tác xã nông nghiệp với khoảng 300 nông dân, nói rằng những tác động của biến đổi khí hậu - nhiệt độ tăng, lượng mưa quá ít, biến đổi từ hạn hán đến lũ lụt, sâu bệnh mới ... - đang khiến việc kiếm sống từ trồng cà phê trở nên vô cùng khó khăn với mọi nông dân trên khắp thế giới.
Nhiều tổ chức và công ty đang tìm kiếm giải pháp cho những thách thức này. Họ giúp nông dân cải thiện điều kiện và hiệu quả sản xuất, phát triển các giống cà phê mới hoặc nuôi dưỡng các giống cà phê hoang dại, và thậm chí trồng cà phê trong phòng thí nghiệm. Theo Viện Giáo dục Nước của UNESCO, việc sản xuất cà phê gây ra tác động môi trường đáng kể, bởi lẽ cần tới khoảng 39 gallon (1 gallon = 3,78 lít) nước để sản xuất ra một tách cà phê.
Tuy nhiên, những người được phỏng vấn tại các tổ chức và công ty này cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, giảm phát thải khí nhà kính sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo tương lai của cà phê và của hành tinh.
Theo một nghiên cứu năm 2014, trong kịch bản lượng phát thải khí nhà kính ở mức khiêm tốn, khoảng 50% diện tích đất có điều kiện thích hợp để trồng hai loại cà phê chính là arabica và robusta, chiếm 99% nguồn cung cà phê thương mại “có thể biến mất vào năm 2050”. Brazil và Việt Nam, những nước sản xuất lớn, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đối với hàng tỷ người trên thế giới có thói quen uống cà phê, tin tức thật tồi tệ và khiến giá cà phê tăng. Đối với khoảng 100 triệu nông dân trồng cà phê, chưa tính đến hàng chục triệu người làm công việc vận chuyển, đóng gói, phân phối, bán và pha cà phê, những tác động của biến đổi khí hậu đang làm cho sự tồn tại vốn đã bấp bênh lại càng trở nên khó khăn hơn.
Trong trang trại của mình và trong toàn bộ hợp tác xã, Vilchez phối hợp với chương trình Blue Harvest, của Dịch vụ Cứu trợ Công giáo (Catholic Relief Services -C.R.S), bắt đầu vào năm 2014, nhằm giúp nông dân trồng cà phê Trung Mỹ khôi phục cũng như bảo vệ nguồn nước.
Chương trình, được xây dựng dựa trên công việc trước đó của C.R.S, bắt đầu khi khu vực Trung Mỹ đang hứng chịu dịch bệnh gỉ sắt cà phê khoảng một thập kỷ trước. Bệnh gỉ sắt cà phê do một loại nấm gây hại cho cây cà phê, thường khiến người nông dân hoặc phải chặt bỏ cây trồng và trồng lại, hoặc trồng cây khác hoặc từ bỏ trang trại. Một số đã liên hệ sự lây lan của loại nấm này với biến đổi khí hậu vì nó phát triển mạnh trong điều kiện ấm hơn với lượng mưa thay đổi nhiều hơn.
Kristin Rosenow, chuyên gia phát triển nông nghiệp của C.R.S, cho biết do biến đổi khí hậu đang làm cho hạn hán ngày càng thường xuyên và khốc liệt hơn, việc sử dụng nước hiệu quả hơn và ngăn ngừa ô nhiễm các nguồn nước hiện có là vô cùng quan trọng.
Ông Vilchez đã làm việc với C.R.S để phục hồi đất của mình bằng cách trồng cây che phủ. Rosenow thông tin việc trồng cây che phủ, cùng những kỹ thuật khác, như sử dụng phân bón đúng và đủ, giúp tăng sản lượng thêm 24% và tăng 28% thu nhập.
Theo Hanna Neuschwander, Giám đốc chiến lược và truyền thông của World Coffee Research, nói một chiến thuật khác là trồng các giống khác nhau có thể chống chọi tốt hơn với cả bệnh gỉ sắt và các tác nhân gây áp lực khí hậu khác.
Năm tới, World Coffee Research sẽ bắt đầu một mạng lưới nhân giống toàn cầu, nhằm giới thiệu các kỹ thuật nhân giống hiện đại và các giống mới ở các nước sản xuất cà phê để giúp nông dân đối phó với các điều kiện khí hậu mới. Dựa trên thông tin thu được, tổ chức sẽ đánh giá cách các giống cà phê mới hoạt động trong các môi trường khác nhau trên thế giới.
Nhưng sự thay đổi cũng có thách thức. Khi một người nông dân trồng một cây cà phê, họ phải mất vài năm mới có thể kiếm tiền. Và bởi vì cây cà phê có thể sống trong vài thập kỷ, một cây phù hợp với khí hậu ngày nay có thể hoàn toàn không phù hợp với điều kiện trong tương lai, Vern Long, Giám đốc điều hành của World Coffee Research cảnh báo.
Bà Long cho biết thêm, điều thuận lợi là người nông dân không phải mở rộng hoặc chuyển lên khu vực cao hơn để trồng cà phê.
Tại Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew (London), Aaron Davis, một nhà khoa học về cà phê và chuyên gia về biến đổi khí hậu, đang nghiên cứu một giải pháp khác để đảm bảo tính bền vững: giới thiệu cho nông dân các loài cà phê hoang dã có khả năng chịu được nhiệt độ cao và khô hạn hơn.
Maricel Saenz, Giám đốc điều hành của Compound Foods, quan tâm tới sản xuất cà phê trong phòng thí nghiệm.
Compound Foods không trồng bất kỳ loại cà phê nào. Thay vào đó, công ty tái tạo các vi khuẩn từ quả cà phê thực tế, giúp tạo ra hương vị và hương thơm cho tách cà phê. Vi sinh được nuôi theo công thức có nguồn gốc thực vật trong lò phản ứng sinh học, một quá trình lên men tương tự như những gì diễn ra tự nhiên tại một trang trại cà phê. Công ty có kế hoạch phân phối sản phẩm đầu tiên này thông qua các cửa hàng cà phê vào năm tới và sau đó sẽ tạo ra bột cà phê có thể được pha tại nhà.
Khi được hỏi ảnh hưởng của điều này tới những nông hộ nhỏ đang phải vật lộn để kiếm sống, Saenz hy vọng sẽ cạnh tranh với những hộ sản xuất lớn và tìm cách hỗ trợ những người nông dân kỹ thuật mà cô biết.
Nói chung về cả dài hạn và ngắn hạn, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ là: phát thải khí nhà kính.
Như Vincent Amodoi, điều phối viên dự án Uganda for Farm Africa, một tổ chức từ thiện của Anh đang hỗ trợ nông dân, người chăn gia súc và cộng đồng trồng rừng ở Đông Phi, gồm cả những người trồng cà phê, đã nói: “Đối với tôi, biến đổi khí hậu nên là một trong những trọng tâm chính của tất cả các chính phủ trên thế giới, nhưng tiếc là điều đó không xảy ra".
FAO: Giá lương thực, thực phẩm thế giới giảm trong tháng 4/2022
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 6/5 thông báo giá lương thực thực phẩm thế giới giảm trong tháng 4/2022 sau khi tăng vọt trong tháng trước đó, dẫn đến giá dầu thực vật và ngũ cốc giảm.
Cần sa đang là cây trồng lợi nhuận thứ 5 ở Mỹ
Với mục đích phục vụ tiêu khiển hiện đã hợp pháp ở 18 bang, cần sa đang là một loại cây hái ra tiền của nông dân và có lợi nhuận chắc chắn tại Mỹ.
Thiếu thức ăn chăn nuôi, Thái Lan hủy lệnh kiểm soát nhập khẩu
Bộ Thương mại Thái Lan vừa đề xuất chính phủ hàng loạt các giải pháp mới nhằm tăng cường nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong thời gian 3 tháng.
Xuất hiện trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H3N8 đầu tiên trên người
Ủy ban Y tế Trung Quốc xác nhận, lần đầu tiên chủng virus cúm gia cầm H3N8 đã được phát hiện ở người, tại tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này.
Vì sao rừng già quan trọng?
Rừng già vừa là điểm nóng sinh thái, vừa cung cấp nước sạch cho con người và là nguồn hút carbon chính giúp chống biến đổi khí hậu.
Giá lương thực tăng vọt có thể để lại hậu quả rất lớn
Một khi không ai có thể biết được cuộc xung đột Nga- Ukraine còn kéo dài bao lâu, các tác động của nó đến phần còn lại của thế giới là sẽ rất nghiêm trọng.
Từ 28/4, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn
Bộ Công Thương cho biết, theo tuyên bố của Tổng thổng Indonesia Joko Widodo (Jokowi) vào chiều ngày 24/4/2022, kể từ ngày 28/4/2022 tới đây, nước này sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định.
Phân bón truyền thống 'đánh bại' phân bón công nghiệp
Trong cuộc thử nghiệm kiểm tra sức khỏe đất mang tính “đối đầu” giữa phân bón công nghiệp và phân bón truyền thống cho thấy, lối cũ khiến đất đai trở nên màu mỡ hơn.
Đài Loan cấm nhập thuốc trừ sâu chứa hoạt chất chlorpyrifos
Tất cả các sản phẩm thuốc trừ sâu có chứa hoạt chất chlorpyrifos, được cho là gây hại đến hệ thần kinh của trẻ nhỏ sẽ được Đài Loan cấm nhập khẩu và sản xuất.
Các vựa sản xuất lương thực lớn không chỉ lo phân bón
'Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá về thị trường phân bón thế giới ảnh hưởng đến mùa vụ năm nay, nhưng có rất nhiều yếu tố khác khiến nông dân phải lo lắng'.
Bình luận