Tiếp cận đối tác tiềm năng để xuất khẩu nông sản sang Anh

Anh là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu, có chính sách thương mại tự do và nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn, đây là thị trường có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước.

Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam muốn thiết lập quan hệ bạn hàng lâu dài sang Anh cần phải có chiến lược phù hợp, tăng cường tiếp cận các đối tác tiềm năng để tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường quan trọng này.

thanh-long-dac-san-25620.jpg

Công đoạn sơ chế thanh long trước khi đóng hàng tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh minh họa: Nam Thái/TTXVN

Thông tin này được ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh đưa ra tại hội thảo tư vấn trực tuyến xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh do Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa tổ chức với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là đại diện các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam theo hình thức trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được Chính phủ hai nước ký kết kịp thời vào cuối năm 2020 đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh.

Trong khi đó, nhu cầu tìm những nguồn cung ứng ngoài Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit của các doanh nghiệp Anh đã khiến hai bên cùng có cơ duyên hợp tác.

Hàng năm, các doanh nghiệp Anh nhập khẩu một lượng lớn rau quả, nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Thống kê cho thấy, năm 2020, dung lượng nông sản tại thị trường này khá lớn, với 5,7 triệu tấn rau quả, trị giá gần 9 tỷ USD; 3,6 triệu tấn trái cây trị giá 5,4 tỷ USD; 23 nghìn tấn hạt điều trị giá 149,5 triệu USD; 14 nghìn tấn hạt tiêu trị giá 1221 triệu USD; 762.526 tấn gạo trị giá gần 660 triệu USD; nhập khẩu cà phê trị giá gần 1 tỷ USD.

Cùng với đó, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đã hiện diện tại thị trường Anh, như cà phê, hạt điều và hạt tiêu được tiêu thụ khá tốt trong các siêu thị lớn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, năm 2020, hạt điều xuất khẩu sang Anh đạt hơn 16 nghìn tấn, trị giá hơn 92 triệu USD, chiếm 71% thị phần; hạt tiêu xuất khẩu hơn 5.620 tấn, chiếm gần 40% thị phần; còn cà phê xuất khẩu 27.915 tấn, chiếm gần 5% thị phần cà phê nhập khẩu vào Anh.

Trong khi đó, gạo và trái cây như nhãn, vải, thanh long cũng đã có mặt nhưng chủ yếu được bày bán tại các siêu thị nhỏ lẻ phục vụ cộng đồng người Việt và một phần nhỏ cộng đồng người gốc Á, chưa thâm nhập được các siêu thị lớn của Anh. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản, rau quả của Việt Nam vào thị trường này.

Đặc biệt khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1/5/2021, nhiều nông phẩm Việt Nam nhập khẩu vào Anh được miễn thuế. Tuy nhiên, việc tiếp cận đối với thị trường này không hề dễ dàng bởi sự cạnh tranh và những yêu cầu cao về chất lượng nông phẩm.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tận dụng được cơ hội thị trường khi sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh.

“Các doanh nghiệp nên thực hành sản xuất theo GlobalGAP vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường cao cấp”, ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Huy - đại diện Tập đoàn Eurofins Assurance Việt Nam và Tiến sĩ nông nghiệp Hán Văn Hạnh (nghiên cứu sinh Đại học Glasgow) cũng cho rằng, GlobalGAP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và vươn ra biển lớn.

Đánh giá về thị trường Anh, ông John Gavin - Giám đốc Tổ chức hỗ trợ thương mại Đông Nam Á tại UK cho biết, Anh là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu, có chính sách thương mại tự do và có nhu cầu nhập khẩu nông phẩm lớn. Tuy nhiên, thị trường có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tại thị trường Anh nhưng phải có chiến lược phù hợp để thiết lập quan hệ bạn hàng lâu dài.

Hơn nữa, đối với những sản phẩm có tiềm năng, khá mới mẻ đối với người tiêu dùng Anh như các mặt hàng trà, gia vị, trái cây, các loại ống hút thân thiện với môi trường như ống hút tre, ống hút cỏ, ống hút làm bằng gỗ, ống hút chế biến từ gạo, các doanh nghiệp Việt cần phải xây dựng niềm tin đối với người mua hàng Anh trước khi bán được hàng.
 
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp tiếp cận thành công thị trường Anh, song theo bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại), vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thành công mặc dù có sản phẩm tốt. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần tăng cường tiếp cận các đối tác tiềm năng để tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường quan trọng này.

Về phía thị trường Anh, bà Anh Đào Carrick - Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Anh nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam tại Anh sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi đi siêu thị.

Đồng thời, bà Anh Đào Carrick cũng tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thị trường, tư vấn chiến lược marketing và tiếp cận nhập khẩu hàng tiêu dùng Anh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã nỗ lực, tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương đa dạng.

Vừa qua, ngày 15/7/2021, Thương vụ đã tổ chức thành công hội thảo và giao thương trực truyến hàng nông sản để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận một số doanh nghiệp nhập khẩu Anh.

Kết quả sau hội thảo, một số doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu rau quả sang chợ đầu mối Birmingham - một trong những trung tâm bán buôn rau quả lớn nhất của Anh. Một số công ty nhập khẩu Anh cũng dự kiến nhập khẩu hoa quả sấy khô, hạt điều, mứt dừa khô của Việt Nam.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng đang chuẩn bị tổ chức tiếp một hội thảo về thương mại nông phẩm vào ngày 28/9/2021 tại London với khách mời chủ yếu là giám đốc mua hàng của các chuỗi siêu thị lớn và các công ty nhập khẩu nông sản tại Anh.

Thương vụ Việt Nam tại Anh kỳ vọng, các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam sẽ tham gia hội thảo này để đưa nông phẩm chất lượng cao của Việt Nam vào bán trong các siêu thị lớn của Anh. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể gửi hàng mẫu và tài liệu quảng bá sản phẩm cho Thương vụ để trưng bày tại sự kiện này.

Nguồn: Theo TTXVN

Bình luận

Tôm rộng đường sang thị trường Trung Quốc

Trong khi nhiều nông sản xuất sang Trung Quốc đang gặp khó do chính sách "Zero Covid" của nước bạn thì xuất khẩu tôm lại tăng rất mạnh.

Đẩy mạnh xuất khẩu trà và cà phê sang thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng đồ uống.

Thủy sản thích ứng tốt với "zero Covid"

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,6 tỉ USD, tăng tới hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hoa tươi Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng ở Nhật Bản

Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hoa tươi của Nhật Bản là 65,3 tỷ yen (tương đương 528 triệu USD) trong đó nhập khẩu hoa tươi từ Việt Nam là 45 triệu USD.

Xuất khẩu nông sản: Bộ Công Thương khuyến cáo điều gì?

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương cho rằng cần sớm chuyển xuất khẩu sang chính ngạch, tức là tuân thủ toàn bộ các quy định của nước nhập khẩu.

Hàng trong nước ế ẩm, rau quả nhập khẩu vẫn tăng

Chỉ trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập 562,1 triệu USD rau quả, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1 tỷ USD với mức tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2021.

Nông sản Việt mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong xu thế phục hồi các ngành kinh tế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng ấn tượng với mức tăng gần 16% so với 4 tháng đầu năm 2021. Đây cũng là thời điểm, Việt Nam tìm cách mở rộng thị trường, đẩy mạnh việc xuất khẩu.

Thị trường Trung Quốc và Mỹ là động lực chính cho xuất khẩu thuỷ sản quý II

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục mang về trên 1 tỷ USD với mức tăng trưởng mạnh mẽ 41% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường EU quý I tăng 92,9%

Hiệp định EVFTA đang được các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường EU trong Quý I/2022 tăng 92,9%.