Thoát nghèo nhờ lúa đặc sản ST25 dưới chân núi lửa

Từng có tỷ lệ hộ nghèo lớn của tỉnh Đăk Nông, nhờ sản xuất giống lúa ST25, nhiều hộ dân xã Buôn Chóah đã có cuộc sống ấm no, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Ấm no nhờ trồng lúa đặc sản

Hơn 10 năm qua, người dân xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô) đã trồng thành công giống lúa ST25 cho sản phẩm gạo ngon nhất thế giới. Giống lúa mới đã mang lại bước ngoặt lớn cho hoạt động sản xuất của người dân theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng. Từ đó, nông dân Buôn Chóah có thu nhập ổn định và thoát nghèo.

san-xuat-lua_dak-nong-2022_duong-phong-3-1431_20220214_300-170831.jpeg

Những cánh đồng lúa xanh mướt tại Buôn Chóah. Ảnh: Quang Yên.

Trước đây, anh Nguyễn Văn Sỹ (thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh) là một trong những hộ nghèo của xã. Gia đình anh Sỹ đặc biệt khó khăn khi con trai mắc bệnh hiểm nghèo, kinh tế phần lớn phụ thuộc vào mấy sào lúa nước.

Khi được chính quyền vận động, anh Sỹ là một trong những hộ dân đi đầu trong việc đưa giống lúa ST25 vào sản xuất. “Trước đây bà con sản xuất 2 vụ lúa nhưng do giống lúa kém năng suất lại thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ lụt nên quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" song vẫn không đủ sống.

"Sau này, nhờ dồn điền đổi thửa, chính quyền khuyến kích người dân đưa giống lúa mới về trồng, đời sống của các hộ dân đã thay đổi từng ngày, có nhà mỗi năm còn thu hoạch được cả trăm tấn lúa đặc sản”, anh Sỹ chia sẻ.

Tự hào khoe về thành quả trồng lúa những năm gần đây, anh Sỹ cho biết, không những đủ tiền để chữa trị bệnh cho con mà gia đình còn có thêm khoản tiền đầu tư, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Không chỉ là máy cày, máy gieo sạ, anh Sỹ còn mua được chiếc máy gặt đập trị giá hơn 200 triệu đồng chỉ sau 3 năm trồng giống lúa ST25.

“Vụ đông xuân và hè thu năm 2021, gia đình xuống giống hơn 3,6 ha giống lúa ST25, thu về hơn 80 tấn lúa. Giống lúa ST24 sau này là giống lúa ST25 từng bước "bám rễ" ở mảnh đất Buôn Chóah đã giúp gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương”, anh Sỹ nói thêm.

san-xuat-lua_dak-nong-2022_krak-1-1431_20220214_932-170832.jpeg

Nông dân Buôn Chóah hiện nay đã áp dụng toàn diện máy móc vào sản xuất lúa, giải phóng sức lao động. Ảnh: Quang Yên.

Tương tự, ông Dương Văn Lực (thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh) vui mừng cho biết, những năm gần đây, ông và các hộ dân trong xã đều áp dụng các quy trình về sản xuất lúa VietGAP. Sản phẩm lúa gạo với giống lúa ST25 của bà con Buôn Chóah nhờ đó mà có thương hiệu.

“So với trồng hoa màu hoặc cây công nghiệp, sản xuất lúa gạo thuận lợi và tốn ít công hơn. Trung bình, một tấn lúa tươi có giá 6,8 - 7,5 triệu đồng. Với mức giá này, bà con nông dân thu về 88,4 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi khoảng 45 triệu đồng/ha. Đây là mức lãi cao nhất cho người trồng lúa từ trước đến nay”, ông Lực nói.

Ông Lực cho biết thêm, hiện người dân Buôn Chóah đã đưa máy móc, trang thiết bị nông nghiệp tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nên nông dân đỡ vất vả. "Trước đây, các thành viên trong gia đình tôi phải lao tâm, khổ tứ mới chăm sóc được 4 ha lúa. Sau khi mua sắm được máy cày, công việc đã nhàn rỗi hơn rất nhiều.


Thay vì cả 4 người trong gia đình cùng ra đồng, một mình chồng tôi chỉ mất vài tiếng đồng hồ đã cày xong ruộng. Đến giai đoạn xuống sạ mới cần đến sức người, nhưng 1 ha lúa chỉ mất chừng 4 công lao động. Đến khi thu hoạch, máy móc làm hết, người dân chỉ cần đưa xe ra chở lúa về nhà phơi”, ông Lực vui vẻ nói.

Xây dựng vùng lúa công nghệ cao

Buôn Choáh từng là vùng đất chiêm trũng, nằm nép mình bên dòng sông Krông Nô - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đăk Nông và Đăk Lăk. Vùng đất này nằm dưới chân núi lửa Nâm B’lang, khi mùa mưa thì ngập lụt, mùa khô thì bỏng rát, thiếu nước. Chính vì thế, đã có thời gian, Buôn Chóah bị “cô lập” trong sự phát triển của các địa phương khác. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân xã Buôn Chóah chỉ thay đổi khi đưa vào gieo trồng các giống lúa mới, trong đó có lúa ST24 và ST25.

san-xuat-lua_dak-nong-2022_krak-3-1433_20220214_695-170833.jpeg

Người dân Buôn Chóah rộn ràng trong mùa vui thu hoạch lúa ST25. Ảnh: Quang Yên.

Đến nay, mỗi vụ xã Buôn Chóah gieo trồng hơn 700 ha lúa với sản lượng 12.000 - 13.000 tấn lúa khô. Từ đó, Buôn Chóah trở thành vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đăk Nông và là một trong những vùng chuyên canh lúa nước lớn nhất Tây Nguyên.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, hiện xã Buôn Chóah đã xây dựng được nhãn hiệu "Lúa gạo Buôn Choáh" gắn với khu vực trung tâm của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông - hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.

“Xác định đây là vùng trọng điểm của tỉnh về trồng lúa nước, UBND tỉnh và huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng như các công trình thủy lợi, đường giao thông. Đặc biệt, địa phương hỗ trợ xây dựng, tập huấn cho người dân sản xuất theo quy trình VietGAP để xây dựng thương hiệu lúa của địa phương”, ông Lộc nói.

san-xuat-lua_dak-nong-2022_krak-2-1443_20220214_799-170834.jpeg

Đăk Nông đã công nhận vựa lúa Buôn Chóah là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Lộc, trên địa bàn xã hiện có 2 HTX trồng lúa đang hoạt động hiệu quả, các phẩm lúa gạo đều đạt các chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. “Nhờ cây lúa mà nông dân địa phương ngày càng no ấm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Bà con bây giờ đã có thể sống tốt với cây lúa, thậm chí có thể làm giàu từ sản xuất lúa.

So với mặt bằng các tỉnh Tây Nguyên, năng suất và chất lượng lúa của Buôn Chóah cao hơn hẳn, thậm chí cao hơn một số địa phương vùng ĐBSCL - nơi sản xuất lúa gạo lớn của cả nước. Bà con nông dân đang dần tiếp cận được nhiều tiến bộ khoa học, giúp người dân chủ động hơn trong canh tác, sản xuất, trong tương lai lúa gạo Buôn Choáh sẽ được nâng tầm”, ông Doãn Gia Lộc tự tin chia sẻ.

Để giúp Buôn Chóah ngày càng phát triển, tháng 1/2021, UBND tỉnh Đăk Nông đã công nhận vùng sản xuất lúa xã Buôn Chóah là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Đây là những tiền đề quan trọng để chắp cánh cho nhãn hiệu "lúa gạo Buôn Choáh" đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

 

Bình luận

Sản xuất trà hoa hồng hữu cơ, bán 1,5 triệu đồng/kg

Để nâng cao giá trị cho hoa hồng và các loại thảo dược, chị Triệu Thị Loan (Lâm Đồng) bắt tay vào sản xuất theo hướng hữu cơ và chế biến thành trà, tinh dầu...

Để mở cửa thị trường khó tính: Sơn La chủ động nâng cao chất lượng trái nhãn

Xác định chất lượng quyết định đến việc mở cửa cho nông sản vào nhiều thị trường khó tính, những năm gần đây, UBND huyện Sông Mã (Sơn La) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp giúp nhà vườn nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn, hướng tới xuất khẩu.

Vì sao ở miền Nam nhiều người thích gọi trái này là đào lộn hột?

Người miền Nam gọi đào lộn hột là trái điều. Nhưng tôi thích cái tên "đào lộn hột" vì nó ấn tượng hơn. Nghe tên gọi đã hình dung ngay ra trái - một thứ trái dáng dấp khá lạ lùng...

Đặc sản muối tôm: Nét ẩm thực của người Tây Ninh

Tây Ninh là vùng đất không có diêm dân (không có nghề làm muối) vì không phải là đất giáp biển, cũng không là nơi có con tôm mà lại là nơi nổi tiếng của một sản phẩm liên quan trực tiếp đến biển là muối và tôm

Giảng viên nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng

Với việc trồng 2 ha dừa và thuê thêm vườn dừa của hàng xóm để "vắt mật", mỗi tháng anh Ngãi xuất bán khoảng 8 tấn mật dừa, thu về gần một tỷ đồng.

Nghêu Việt Nam gây bất ngờ tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022

Nghêu Việt Nam trưng bày tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022 ở Barcelona, Tây Ban Nha những ngày qua thực sự tạo ấn tượng bất ngờ với đối tác nước ngoài.

Phát triển nông sản an toàn, tạo niềm tin với người tiêu dùng

Phát triển nông sản an toàn tạo uy tín, thương hiệu và niềm tin với người tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường, tạo sự phát triển bền vững.

Tại sao mật ong Việt Nam lo khó cạnh tranh với mật ong Ấn Độ ở Mỹ?

Mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho mật ong Việt Nam vào Mỹ trong kết luận mới đây dù đã giảm nhiều lần so với kết luận sơ bộ, song mật ong Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh với mật ong Ấn Độ tại thị trường này.

Đặc sản đất Việt: Trung Quốc, Ấn Độ bao mua, Đài Loan, Malaysia xếp hàng chờ tới lượt

Liên kết sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng, cây thạch đen đặc sản Lạng Sơn đang được khách hàng Trung Quốc, Ấn Độ bao mua lượng lớn. Khách Đài Loan, Hong Kong hay Malaysia muốn đặt mua phải “xếp hàng” chờ tới lượt bởi không đủ cung.

Đào Bắc Hà mất mùa nhưng dễ bán, giá cao

Do rét đậm, rét hại kéo dài đúng dịp đào ra hoa nên năm nay đào Bắc Hà (Lào Cai) mất mùa. Bù lại, đào quả to, đều, dễ bán và có giá cao.