Hải Dương: Thứ đặc sản ví như lộc trời ở đất Tứ Kỳ thực ra là con gì?

Mỗi dịp tháng 10 âm lịch, người nông dân sinh sống ven đê sông Thái Bình (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) lại mất ăn, mất ngủ để thu lượm lộc trời. Đó là loài rươi, loài sinh vật thân mềm được nhiều thực khách săn đón như một đặc sản từ thiên nhiên.

Nếu như ở vùng Đồng Tháp Mười có cây lúa trời tự mọc thì ở vùng Bắc Bộ có loài rươi tự nổi. Mấy cái giống kỳ lạ, không thể nuôi, trồng, cũng không biết xuất hiện từ đâu, chỉ biết rằng cứ đến mùa là có. 

Riêng đối với người nông dân vùng cửa sông nước lợ ở một số tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An… thì sinh vật nhỏ bé này biết bao thân thương, gần gũi, từ bao đời nay đã đem về sự ấm no cho người dân quê. 

con-ruoi-16231471243822086923729.jpg

Rươi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Chẳng thế mà người dân vùng đồng bằng sông Hồng vẫn truyền miệng câu ca: “Bao giờ cho đến tháng mười/Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy” là vậy.

Trời tháng 10 âm lịch tối như bưng, gió heo may thổi khô khốc, lành lạnh. Những cánh đồng nằm ven sông ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, nơi nước lợ theo thủy triều dâng lên ngập sâu những ruộng lúa đã thu hoạch, chỉ còn trơ lại bùn đất để đến hẹn rươi lại lên. 

Người dân ở đây may mắn sở hữu được những thửa ruộng quý này vì đây là một trong những nơi rất ít ở nước ta, ruộng có rươi. 

Rươi là loài động vật họ giun có nhiều tơ. Mỗi năm rươi từ trong lòng đất chỉ chui lên trong khoảng thời gian tháng 9, 10 và 11 âm lịch và đến tháng Chạp là hết. Trong mỗi tháng đó, rươi chỉ nổi vài ngày nên người dân quê phải huy động mọi lực lượng để ra đồng vớt lộc trời cho.

Ông Nguyễn Văn Long, xã An Thanh, Tứ Kỳ, người đã có hàng chục năm thâm niên đi săn rươi cho biết, rươi thường nổi nhiều vào các ngày cuối, đầu và giữa tháng như ngày 29, 30; mồng 1, mồng 2; ngày 14, 15 âm lịch; còn các ngày khác nổi rất ít và hầu như không. Về giờ giấc, rươi nổi cũng không cố định, chủ yếu nổi về đêm, nhưng cũng có khi đến mãi gần sáng mới nổi.

Ông Long theo cha mẹ đi săn rươi từ khi còn nhỏ, đến nay đã ngót nghét mấy chục năm qua. Ông kể, ngày trước, khi rươi nổi lên, nhà nào vớt được bao nhiêu thì vớt chứ không chia ruộng như bây giờ. 

Ngày nay, bởi giá trị rươi cao nên người ta be bờ, đắp ruộng làm rươi theo mô hình trang trại nông nghiệp, hiệu quả cao hơn nhiều so trước kia. Dẫu vậy, rươi lúc có lúc không, lúc nhiều lúc ít. Tuy nhiên, nếu mình nhọc công đầu tư canh nông thì chắc ông trời cũng không phụ, ông nói.

Hàng chục năm qua, không ít lần bản thân ông Long cũng như người làng đặt câu hỏi: rươi sống ở đâu mà bỗng dưng vào ngày ấy, tháng ấy hằng năm không hẹn mà nổi lên lắm thế? 

Những người nông dân như ông đã không ít lần xới đất để tìm dấu vết loài rươi nhưng không thấy. Đến nay, ông vẫn chỉ biết đến ngày rươi nổi, cả mặt ruộng đặc kín, đỏ au những sinh vật nhỏ nhoi, ngoe nguẩy. 

Người dân già trẻ, lớn bé cứ thế hò nhau mang rổ, rá, vợt ra vớt về đổ đầy chậu lớn, chậu bé. Còn chúng từ đâu mà có, ông cũng không cần quan tâm nữa. Vậy là đủ.

52-1610096083498-1623147006897-16231470193821117630114.jpg

Cứ đến mùa là rươi lại nổi đầy mặt sông, đồng ruộng.

Vài năm trở lại đây, xã Chí Minh (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) có khoảng 70 hộ gia đình bắt rươi thời vụ. Sau khi thu hoạch lúa, họ xây kè đắp bờ, chia luồng lạch, cải tạo đất làm môi trường sống cho rươi chui lên để thu hoạch. 

 Các cửa đập nhân tạo đưa nước từ sông vào và cho nước ra được làm khá chuyên nghiệp. Gần như hàng trăm ha trước kia từng trồng lúa được người dân tận dụng làm nơi cho rươi sinh trưởng.

Ông Bùi Văn Tuyển, người có kinh nghiệm chục năm thâm canh, khai thác rươi ở xã Chí Minh cho biết, gia đình có hai mẫu đất ruộng gần sông, một năm cấy một vụ lúa chiêm để tận dụng quỹ đất, tháng 7 - 8 âm lịch, chúng tôi ủ đất và tạo dưỡng chất cho rươi sinh sống. 

Mùa rươi bắt đầu vào tháng 9 đến 11 âm lịch. Đầm tại đây phụ thuộc vào con nước lên/xuống của thủy triều, vì vậy khi đến dịp thu hoạch, chúng tôi phải canh nước, tháo cống rồi dùng lưới chặn bắt rươi sẽ dễ dàng hơn. 

Nước chảy, rươi sẽ theo con nước di chuyển và chui vào túi lưới, lúc đó chỉ việc đưa rươi từ trong túi ra. Ông Tuyển cho biết thêm, làm rươi rất vất vả, mỗi khi đến mùa rươi, nhiều gia đình phải dậy từ nửa đêm canh lấy nước triều cường vào đầm nhà mình để rươi chui từ dưới lòng đất lên và đến khi trời sáng thì phải tháo nước ra để rươi theo dòng chảy.

Với diện tích gần 20 mẫu đất bãi, gia đình ông Nguyễn Văn Nhân, thôn Cầu Xe, xã Quang Trung đã đầu tư vốn đào ao, làm hệ thống thủy lợi để rươi phát triển. 

Gắn bó với con rươi ngày đêm, đặc biệt chú trọng quy trình cải tạo đầm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất rươi của gia đình ông Nhân luôn đạt mức cao. Do thời tiết thuận lợi, dự kiến sản lượng rươi năm nay của gia đình ông cao hơn năm trước. 

Nước rươi tháng 9 âm lịch năm nay, ông thu hoạch được gần một tấn. Ông Nhân phấn khởi, mỗi sào ruộng nếu có rươi lên ở vùng này, nhà ít mỗi đêm cũng thu được 5 - 6 kg rươi, có những đêm may mắn, mỗi sào ruộng có khi thu về 30 - 40 kg rươi. Thậm chí tháng trước, có nhà thu được hơn một tạ rươi trong một đêm, lời được 50 triệu đồng. Ở đây, thỉnh thoảng vẫn có nhà được lộc nhiều như thế.

Theo thống kê, toàn huyện Tứ Kỳ có 500 ha đang cho khai thác rươi và cáy, tập trung ở các xã An Thanh, Cộng Lạc, Chí Minh, Quang Trung, Bình Lãng và Nguyên Giáp. Hằng năm vào tháng 9, 10 và 11 âm lịch được coi là mùa vàng của Tứ Kỳ vì đây là thời gian người dân thu hoạch rươi. 

Theo một số người dân, năm nay năng suất rươi chính vụ tháng 9 (âm lịch) trung bình đạt từ 15 - 20 kg/sào, hộ cao đạt 25 kg/sào. Giá rươi bán tại ruộng từ 380 - 400 nghìn đồng/kg, tăng 20 nghìn đồng - 30 nghìn đồng/kg so  năm trước.

Rươi là loại thủy sản hoàn toàn sống tự nhiên ở vùng nước lợ, không ai nuôi được nhưng để cho năng suất cao thì ngoài yếu tố thiên nhiên ưu đãi, cần phải cải tạo môi trường đất, nước sạch cho chúng sinh trưởng và phát triển. 

Người dân Tứ Kỳ chỉ cấy vụ chiêm, bỏ vụ mùa. Khi chăm bón cho cây lúa thì chỉ được dùng phân hữu cơ, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân vô cơ. Có như thế, đất mới tơi xốp, không bị ô nhiễm, rươi mới sinh trưởng và phát triển tốt. Chính vì vậy, rươi của Tứ Kỳ được thương lái và người dân rất ưa chuộng bởi bảo đảm yếu tố vệ sinh sạch sẽ, an toàn.

Rươi là loài đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành các món ăn ngon nên rất nhiều nhà hàng, quán ăn đưa vào danh sách ẩm thực. Hiện, giá trị mỗi kg rươi bằng cả tạ thóc nên cứ đến mùa là thương lái thu gom đổ buôn về các tỉnh, thành phố khác. Nói mùa rươi là mùa no ấm của người dân quê cũng không phải là nói quá.

Nguồn: Theo báo Nhân dân

Bình luận

Sản xuất trà hoa hồng hữu cơ, bán 1,5 triệu đồng/kg

Để nâng cao giá trị cho hoa hồng và các loại thảo dược, chị Triệu Thị Loan (Lâm Đồng) bắt tay vào sản xuất theo hướng hữu cơ và chế biến thành trà, tinh dầu...

Để mở cửa thị trường khó tính: Sơn La chủ động nâng cao chất lượng trái nhãn

Xác định chất lượng quyết định đến việc mở cửa cho nông sản vào nhiều thị trường khó tính, những năm gần đây, UBND huyện Sông Mã (Sơn La) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp giúp nhà vườn nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn, hướng tới xuất khẩu.

Vì sao ở miền Nam nhiều người thích gọi trái này là đào lộn hột?

Người miền Nam gọi đào lộn hột là trái điều. Nhưng tôi thích cái tên "đào lộn hột" vì nó ấn tượng hơn. Nghe tên gọi đã hình dung ngay ra trái - một thứ trái dáng dấp khá lạ lùng...

Đặc sản muối tôm: Nét ẩm thực của người Tây Ninh

Tây Ninh là vùng đất không có diêm dân (không có nghề làm muối) vì không phải là đất giáp biển, cũng không là nơi có con tôm mà lại là nơi nổi tiếng của một sản phẩm liên quan trực tiếp đến biển là muối và tôm

Giảng viên nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng

Với việc trồng 2 ha dừa và thuê thêm vườn dừa của hàng xóm để "vắt mật", mỗi tháng anh Ngãi xuất bán khoảng 8 tấn mật dừa, thu về gần một tỷ đồng.

Nghêu Việt Nam gây bất ngờ tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022

Nghêu Việt Nam trưng bày tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022 ở Barcelona, Tây Ban Nha những ngày qua thực sự tạo ấn tượng bất ngờ với đối tác nước ngoài.

Phát triển nông sản an toàn, tạo niềm tin với người tiêu dùng

Phát triển nông sản an toàn tạo uy tín, thương hiệu và niềm tin với người tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường, tạo sự phát triển bền vững.

Tại sao mật ong Việt Nam lo khó cạnh tranh với mật ong Ấn Độ ở Mỹ?

Mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho mật ong Việt Nam vào Mỹ trong kết luận mới đây dù đã giảm nhiều lần so với kết luận sơ bộ, song mật ong Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh với mật ong Ấn Độ tại thị trường này.

Đặc sản đất Việt: Trung Quốc, Ấn Độ bao mua, Đài Loan, Malaysia xếp hàng chờ tới lượt

Liên kết sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng, cây thạch đen đặc sản Lạng Sơn đang được khách hàng Trung Quốc, Ấn Độ bao mua lượng lớn. Khách Đài Loan, Hong Kong hay Malaysia muốn đặt mua phải “xếp hàng” chờ tới lượt bởi không đủ cung.

Đào Bắc Hà mất mùa nhưng dễ bán, giá cao

Do rét đậm, rét hại kéo dài đúng dịp đào ra hoa nên năm nay đào Bắc Hà (Lào Cai) mất mùa. Bù lại, đào quả to, đều, dễ bán và có giá cao.