'Mẹ đẻ' giống OM5451 là ai?

Nhìn lại các giống lúa đã có đóng góp lớn cho xuất khẩu gạo không thể không nhắc đến OM5451...

a1-103858_179.jpg

Giống lúa OM5451 được gieo cấy rộng rãi ở các tỉnh ĐBSCL, nông dân rất ưa chuộng

Trong tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, lúa gạo luôn chiếm vị trí quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam- vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vừa gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản, mang ngoại tệ về cho đất nước.

Duyên phận một giống lúa
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gần 2 năm qua, ngành lúa gạo vẫn đạt được các thành tựu đáng kể, về sản xuất cũng như kim ngạch xuất khẩu. Năm 2020 xuất khẩu gạo đạt 6,15 triệu tấn, Việt Nam chiếm tới 27% tổng lượng gạo xuất khẩu thế giới (44,79 triệu tấn).

Tính đến tháng 5/2021, Việt Nam là nước có giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới, cao hơn 20 USD/tấn so với gạo Thái Lan và cao hơn 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ. Chiến lược nâng tầm giá trị gạo Việt đã làm cho ngành lúa gạo Việt từng bước nâng cao vị thế trên toàn cầu.

Đây là thành quả của chương trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, làm nòng cốt cho kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu gạo.

Trong giai đoạn 5 năm qua (2016-2020), trước các khó khăn do thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt hạn là mặn xảy ra khốc liệt ở ĐBSCL cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành lúa gạo vẫn giữ vững sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và duy trì lượng gạo xuất khẩu 6- 6,5 triệu tấn/năm, trong đó nhóm gạo thơm và gạo chất lượng cao chiếm đến 70%.

Đóng góp cho thành tựu này không thể không nhắc đến việc nghiên cứu chọn tạo và tổ chức sản xuất các giống lúa ưu việt đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Nhìn lại các giống lúa đã có đóng góp lớn cho xuất khẩu gạo không thể không nhắc đến OM5451 là giống chủ lực xuất khẩu gạo chất lượng cao nhiều năm qua.

Giống lúa OM5451 có nguồn gốc từ tổ hợp Jasmine 85/OM 2490 được lai tạo năm 2004, là cặp lai thứ 5451 thuộc chương trình chọn tạo giống lúa chất lượng cao của Viện Lúa ĐBSCL đặt tại Ô Môn, TP Cần Thơ.

a2-103945_125.jpeg

Khi chuyển giao cho Tập đoàn Lộc Trời, lúa OM5451 được tiếp tục chọn thuần, nhân giống ở các cấp độ, cung ứng rộng rãi vào sản xuất.

Được nghiên cứu trên cơ sở kết hợp đặc tính di truyền của giống mẹ Jasmine 85 (là giống lúa thơm, chất lượng cao nổi tiếng có gạo đẹp, cơm mềm dẻo) và giống bố OM2490 cho năng suất cao, chống chịu được điều kiện đất phèn mặn, là thành quả nghiên cứu của nhóm tác giả PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa và đồng tác giả Huỳnh Thị Phương Loan, TS Phạm Trung Nghĩa.

Sau 7 năm nghiên cứu, chọn lọc, khảo nghiệm và sản xuất thử, OM5451 được công nhận chính thức theo Quyết định số 711/QĐ-BNN-TT ngày 7/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho các tỉnh, thành vùng Nam Bộ.

Điều đáng chú ý là, Nhà máy giống Bình Đức của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (tiền thân của Tập đoàn Lộc Trời) là đơn vị sản xuất, cung ứng hạt giống OM5451 đạt tiêu chuẩn chất lượng cung cấp cho nông dân và là đơn vị luôn phối hợp cùng Viện Lúa ĐBSCL theo dõi, đánh giá giống lúa OM5451 trong thực tiễn sản xuất.

Ngày 09/01/2011, Viện Lúa ĐBSCL và Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cùng thỏa thuận và kí hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống lúa OM5451. Kí kết chuyển giao OM5451 từ đơn vị nghiên cứu sang doanh nghiệp sản xuất là bước ngoặc quan trọng gắn nhà khoa học với nhà sản xuất, kết nối nghiên cứu với thực tiễn và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam

OM5451- từ 1.500 ha đến 1 triệu ha/năm
Nhìn lại bối cảnh khi Tập đoàn Lộc Trời tiếp nhận quyền khai thác OM5451 vào đầu năm 2011, giống mới đang sản xuất thử, phát triển không vượt quá qui định 1.500 ha cho các tỉnh phía Nam so với tổng diện tích lúa 4,3 triệu ha lúa ở ĐBSCL.

Theo Cục Trồng trọt, khi đó các giống lúa chủ lực ngoài đồng ruộng là OM2517, OM2717, OM4498, OM576, OM4218, OMCS2000, VND95-20, TNĐB100, IR50404...

Cuối năm 2011, OM 5451 được công nhận chính thức, Lộc Trời đã nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, cung cấp hạt giống OM5451 các cấp rộng khắp vào sản xuất ở các tỉnh phía Nam với thương hiệu mà nông dân quen gọi là giống “lúa Bình Đức An Giang”.


Mặt khác, cùng với sự hình thành và phát triển ngành lương thực thông qua 5 nhà máy chế biến lúa gạo với tổng công suất 700.000 tấn/năm ở các tỉnh ĐBSCL và việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo trên cánh đồng lớn liên kết với nông dân tại các địa bàn nông thôn của Lộc Trời, lượng gạo OM5451 được tiêu thụ gia tăng nhanh chóng ở thị trường nội địa và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Giống OM5451 dần trở thành giống lúa có diện tích gieo trồng lớn nhất trong nhóm giống lúa chủ lực chất lượng cao ở vùng ĐBSCL. Trong năm 2017, 4 giống lúa chủ lực OM5451, OM6976, OM7347, OM4900 chiếm khoảng 60% diện tích lúa ở vùng ĐBSCL, trong đó riêng OM5451 chiếm gần 30% diện tích.

a3-104011_307.jpeg

Niềm vui của người trồng lúa khi lúa OM5451 trúng mùa, trúng giá.

Qua gần 10 năm kể từ khi được chuyển giao cho Lộc Trời, OM5451 là giống chủ lực trên tổng diện tích gieo trồng lúa khoảng 4 triệu ha cả năm ở các vùng ĐBSCL (Cục Trồng trọt, 2020) và trong 5 năm gần đây, diện tích OM5451 đã đạt trên 1 triệu ha/năm, đóng vai trò quan trọng trong nhóm gạo xuất khẩu của nước ta.

Việc chuyển giao quyền sở hữu cho Lộc Trời đã đem lại hiệu quả to lớn thể hiện ở diện tích OM5451 trong sản xuất ngày càng mở rộng và minh chứng cho kết quả nghiên cứu khoa học trao cho doanh nghiệp có năng lực đã được phát huy. Kết quả này là nguồn động lực, giá trị tinh thần không nhỏ cho các nhà khoa học của Viện lúa ĐBSCL nghiên cứu tiếp các giống mới.

Cụ thể, các hợp đồng chuyển giao cho các doanh nghiệp khai thác sử dụng giống lúa thuần ở phía Nam của Viện lúa sôi động hẳn lên, năm 2020 đã có hơn 25 giống lúa từ Viện được chuyển giao quyền sở hữu.

Nông dân ưa chuộng, doanh nghiệp sản xuất bền vững
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 10 năm gần đây cả nước có hơn 180 giống lúa được công nhận chính thức nhưng số giống lúa được duy trì lâu dài trong sản xuất rất ít. Nói cách khác, giống được công nhận thì nhiều, nhưng vòng đời giống ngắn, giống đưa vào sản xuất nhưng không “trụ” lại được. Riêng OM5451 là giống đặc biệt được nông dân ưa chuộng sử dụng lâu dài trong sản xuất với diện tích lớn.

Kết quả này là do hai yếu tố, một là OM5451 hội tụ nhiều đặc điểm ưu việt như vừa năng suất cao và thích nghi rộng vừa có chất lượng gạo tốt, cơm mềm (hàm lượng amylose <20%), tỷ lệ gạo nguyên cao, đáp ứng nhu cầu gạo chất lượng cao cho xuất khẩu. Ngoài ra, giống có thời gian sinh trưởng ngắn (90 - 95 ngày), cứng cây, dạng hình đẹp, ít nhiễm sâu bệnh, chịu phèn, mặn nhẹ.

 Hai là, sau khi nhận chuyển quyền sở hữu giống OM5451, Lộc Trời đã tổ chức trồng và giữ giống gốc để đảm bảo duy trì đặc tính tốt của giống tác giả ban đầu, đưa giống vào sản xuất nhanh và hiệu quả nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân và tổ chức cung cấp giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật với số lượng lớn cho nông dân, đảm bảo hệ thống nhân giống các cấp để duy trì độ thuần của giống.

Đặc biệt, Lộc Trời đã đưa việc sản xuất OM5451 vào chuỗi giá trị gạo của mình, đảm bảo chất lượng gạo OM5451 đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn mà giống lúa OM5451 đem lại là hình mẫu của sự liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp để chuyển giao thành tựu nghiên cứu vào sản xuất trên diện rộng. 

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Là doanh nghiệp đi đầu về chuỗi giá trị lúa gạo, Lộc Trời thực hiện chuỗi khép kín từ giống sản xuất đến hạt gạo xuất khẩu theo qui trình sản xuất bền vững, với các tiêu chí gồm truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tăng lợi nhuận cho nông dân. Trong khi, giống lúa là một trong những nguyên liệu đầu vào quyết định lớn đến sự thành công của toàn chuỗi lúa gạo.

a4-104041_755.jpeg

Kho giống lúa OM5451 được bảo quản cẩn thận trong điều kiện nhiệt độ lý tưởng, khi đưa ra gieo cấy có tỷ lệ nảy mầm cao.

Ngoài liên kết với các Viện, trường để sở hữu các giống lúa chất lượng cao, thích nghi tốt trong sản xuất, từ năm 2004 đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã nghiên cứu chọn tạo ra tám giống lúa: Lộc Trời 1, Lộc Trời 2, Lộc Trời 3, Lộc Trời 4, Lộc Trời 5, Bắc Đẩu, Lộc Trời 153, Lộc Trời 183, được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức và cho lưu hành tại các tỉnh vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Bắc.

Năm 2018, Lộc Trời 28 – giống lúa cho gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Vương thắng giải Nhất tại Hội nghị doanh nghiệp gạo quốc tế (CRTC) tổ chức tại Quảng Đông - Trung Quốc. Thành tựu nghiên cứu này của Lộc Trời được kế thừa, liên kết, học hỏi từ các nhà khoa học đầu ngành, mà mối lương duyên với các tác giả OM5451, là tiền đề quan trọng cho định hướng thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất của Lộc Trời.

Hiện nay, OM5451 được canh tác theo Tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) cho canh tác lúa bền vững là tiêu chuẩn tự nguyện đầu tiên trên thế giới để tăng thêm giá trị về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

PGS, TS Trần Thị Cúc Hòa, nhà khoa học nữ vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2016, chủ nhiệm đề án nghiên cứu lai tạo giống OM5451 và OM6976, chia sẻ: “Đối với những cán bộ nghiên cứu khoa học nông nghiệp chúng tôi, ước mơ lớn nhất là kết quả nghiên cứu của mình được nông dân áp dụng trên diện rộng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Vì vậy tôi rất vui mừng khi giống lúa OM5451 do tôi và các cộng sự ở Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận năm 2011 và ngay sau đó được Viện Lúa ĐBSCL chuyển nhượng bản quyền sở hữu giống OM5451 cho Tập đoàn Lộc Trời.

Vào thời điểm đó, đây là một trong những giống lúa hiếm hoi đầu tiên được doanh nghiệp tiếp nhận quyền khai thác từ viện nghiên cứu. Nhờ Lộc Trời có hệ thống sản xuất giống và chỉ đạo sản xuất hiệu quả và sự chấp nhận, ưa chuộng của nông dân, giống OM5451 đã được gieo trồng trên diện tích lên đến 1 triệu ha/năm ở ĐBSCL và là giống xuất khẩu chủ lực.

Mô hình kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp là phương thức hiệu quả để chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, điển hình như trường hợp giống OM5451. Có thể nói, chính các doanh nghiệp đã tiếp sức cho các nhà khoa học đạt được ước mơ của mình”.

 

Bình luận

Than sinh học - 'vàng đen’ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn

Than sinh học được xem là 'vàng đen' cho sản xuất nông nghiêp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải. Tiềm năng than sinh học hiện rất lớn từ phụ phẩm nông nghiệp.

Công nghệ tạo bọt khí nano bảo quản cá ngừ đại dương

Áp dụng công nghệ tạo bọt khí nano bảo quản cá ngừ đại dương sau khai thác, chất lượng cá ngừ sẽ tốt hơn, đáp ứng tốt các yêu cầu xuất khẩu.

Hòn Đất: Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh

Trung Tâm Khuyến Nông tỉnh Kiên Giang kết hợp với Trạm khuyến nông huyện Hòn Đất xây dựng 1 điểm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh ở ấp Giồng Kè, xã Bình Giang.

Nuôi cá tầm công nghệ cao tránh được thiệt hại do thiên tai

Với mô hình cá tầm công nghệ cao tại Lâm Đồng, người nuôi tiết kiệm được nguồn nước, nhân công và đặc biệt tránh được thiệt hại do thiên tai.

Quy trình "sức mạnh sinh học" là gì mà nông dân nào làm rồi cũng mê tít?

Việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học trong canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái đồng ruộng, từ đó tác động đến môi trường sống và sức khỏe của người dân.

Bội thu lứa cà phê tái canh của Dự án VnSAT

Nhờ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT trong việc áp dụng giống chất lượng cao, quy trình chuẩn vào tái canh, người dân Lâm Đồng thu hoạch vụ cà mùa bội thu.

Nuôi tôm thâm canh mật độ cao cho lãi 400 triệu đồng/ha/vụ

Qua khảo sát đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, năm 2021, nhiều hộ nông dân ở các huyện ven biển như Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải mạnh dạn chuyển đổi nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh trong ao đất

Phục tráng chất lượng rong sụn bằng giống nuôi cấy mô

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản lần đầu tiên ở Việt Nam đã nghiên cứu, nhân giống thành công giống rong sụn bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Giống cà chua Ansal, sự lựa chọn cho sản xuất hàng hóa

Giống cà chua Ansal kết hợp được nhiều ưu điểm nổi trội, thích hợp với nhiều vùng canh tác ở miền Bắc.

Chuỗi giá trị biến rác vỏ dừa thu ngoại tệ

Hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ giúp tận dụng vỏ dừa biến chúng từ loại phế thải trở thành sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao gấp hàng chục lần.