Một năm vượt khó của ngành Nông nghiệp Lai Châu

Năm 2021, vượt qua khó khăn, thách thức của thiên tai, dịch bệnh Covid-19, tỉnh Lai Châu vẫn nỗ lực vươn lên và đạt kết quả khả quan, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch.

Phong Thổ phát triển vùng cây ăn quả tập trung

Nhắc đến huyện Phong Thổ hơn 10 năm trở về trước, chắc nhiều người sẽ liên tưởng đến một vùng đất có nền nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, trong đó cây lương thực là cây trồng chính. Tuy nhiên, nếu có dịp trở lại thăm huyện thời điểm này, khi những cánh hoa đào rừng bắt đầu khoe sắc thắm, hoa cúc quỳ nở rộ tạo nên những thảm hoa vàng đặc trưng dọc các tuyến đường về huyện, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của địa phương.

phongtho-1.jpg

Chuối tây là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của huyện Phong Thổ.

Từ vùng thấp đến vùng cao, lúa, ngô, sắn, mía, nghệ, cây dược liệu đã trở thành sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, là sự xuất hiện của các loại cây công nghiệp dài ngày (cao su, mắc ca, chè), đặc biệt là hình thành những vùng cây ăn quả xanh tốt, đang mang lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân.

Ma Li Pho là xã có sự khởi sắc mạnh mẽ trong vài năm gần đây, đóng góp vào sự phát triển chung của xã không thể không nhắc đến cây chuối. Theo anh Tẩn Chỉn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ma Li Pho, năm 2011 thấy cây chuối phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương, đầu ra sản phẩm dễ dàng, bà con trong xã tự đưa vào trồng. Giờ đây, diện tích cây chuối của xã là trên 500ha. Cây chuối mang lại cho bà con thu nhập bình quân 80 triệu đồng/ha. Nhiều gia đình nuôi được con ăn học, cải thiện chất lượng cuộc sống thậm chí xây được nhà, mua được xe máy, máy cày bừa là nhờ cây chuối. Nhiều bản làm được nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn cũng từ cây chuối.

Với xã Hoang Thèn, việc phát triển cây ăn quả tập trung đánh dấu bằng sự xuất hiện của các loại cây chuối, lê, xoài, nhãn ở các bản: Xin Chải, Nậm Cáy, Tả Lèng, Huổi Luông, Séo Lẻn và Lèng Suôi Chin. Cây ăn quả cùng với mía đang tạo nên bước ngoặt trong quá trình phát triển kinh tế của xã. Giờ đây, toàn xã đã có 295,77/411,08ha cây ăn quả cho thu hoạch, sản lượng đạt 2.957,7 tấn. Hay với xã Dào San năm 2021 cũng là năm cây lê đánh dấu mốc quan trọng khi mang lại nguồn thu vài chục triệu đồng cho nhiều hộ dân khi quyết định gắn bó lâu dài với cây trồng này.

Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chúng tôi được biết, huyện được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên đất đa dạng và phong phú, chia thành 4 nhóm khác nhau: đất đỏ vàng, mùn vàng đỏ trên núi, dốc tụ và các loại đất khác. Khí hậu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ bình quân năm khoảng 20,2 độ C, lượng mưa bình quân 2.295mm, độ ẩm không khí bình quân 81%. Trong khi đó, nguồn lao động dồi dào; huyện có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng, các tuyến quốc lộ 12, 4D, 100 chạy qua. Điều này tạo thuận lợi để giao thương hàng hóa phát triển, đa dạng hóa các loại cây trồng trong đó có cây ăn quả.

Việc phát triển cây ăn quả nhiệt đới (chuối, nhãn, xoài, bưởi, mít, ổi) và ôn đới (lê, đào, mận) được huyện đẩy mạnh từ năm 2014 đến nay. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp, đất hoang hóa, đất đồi dốc sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế. Đồng thời, triển khai các mô hình trồng cây ăn quả tập trung làm cơ sở để Nhân dân học tập, làm theo và nhân rộng. Huyện cũng triển khai thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp; chú trọng việc hướng dẫn Nhân dân trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả, cách thu hoạch đạt sản lượng, chất lượng cao.

Với các giải pháp phù hợp, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện tăng dần qua các năm. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 4.509,99ha. Trong đó, diện tích cây chuối 3.434,29ha, diện tích cây ăn quả lâu năm khác 1.075,7ha. Diện tích cây ăn quả cho sản phẩm 3.752,67ha, năng suất đạt 12,33 tấn/ha, sản lượng ước đạt 46.270 tấn. Cây ăn quả góp phần nâng giá trị xuất khẩu hàng địa phương năm 2021 của huyện lên mức 23 triệu USD (đạt 100% so với kế hoạch, tăng 5,4 triệu USD so với năm 2020). Thu nhập bình quân đầu người của Nhân dân trong huyện ước đạt 34 triệu đồng/năm.

Giang Ma phát triển cây ăn quả

Những ngày cuối năm, chúng tôi trở lại xã vùng cao Giang Ma (Tam Đường), thời điểm này hoa đào, lê, mận đang đua nhau khoe sắc. Màu hồng của những cánh hoa đào, màu trắng của hoa mận, lê làm cho “bức tranh” nơi đây thêm rực rỡ sắc màu.

phongtho-2.jpg

Người dân bản Giang Ma (xã Giang Ma, huyện Tam Đường) chăm sóc cây ăn quả ôn đới.

Anh Ma A Tủa, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma cho biết: “Xã Giang Ma có 106ha cây ăn quả, trong đó có 71ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 415,28 tấn. Cây ăn quả ôn đới chủ yếu là đào chín sớm, mận, lê… tập trung tại các bản: Giang Ma, Sử Thàng, Xin Chải… Để cây ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt, xã chỉ đạo cán bộ trực tiếp xuống các bản hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản. Sau nhiều năm bén rễ, cây ăn quả ôn đới đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thêm thu nhập”.

Đào chín sớm được xã đưa vào trồng từ năm 2010, cây đào phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản nên được người dân trên địa bàn trồng phổ biến. Ông Giàng A Vảng (bản Giang Ma) phấn khởi chia sẻ: “Năm 2010, gia đình tôi trồng hơn 30 gốc đào chín sớm, đến năm thứ 2 đã cho thu hoạch. Để tiết kiệm chi phí mua phân bón, gia đình tôi sử dụng phân chuồng để bón cho cây, nhờ đó cây sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 1 tấn quả, bán ra thị trường với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí mỗi năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Trồng đào không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa, trồng ngô. Thời điểm này, đào đang ra hoa, các thành viên trong gia đình đang tích cực làm cỏ, bón phân để cây nuôi quả, hứa hẹn một vụ đào bội thu”.

Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp tại xã Giang Ma nhỏ lẻ, manh mún, trình độ canh tác còn lạc hậu, năng suất các loại cây trồng còn thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhờ triển khai trồng cây ăn quả ôn đới đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, người dân biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cây trồng ngày một tăng cao, đem lại thu nhập ổn định.

Anh Giàng A Dũng ở bản Giang Ma là một trong những gia đình có diện tích cây ăn quả khá lớn, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Anh Dũng vui mừng nói: “Được xã định hướng trồng cây ăn quả ôn đới để phát triển kinh tế, năm 2010 gia đình tôi bắt đầu trồng hơn 10 cây đào. Thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn quả ôn đới mang lại, những năm gần đây gia đình tôi tích cực mở rộng diện tích. Đến nay, nhà tôi có 200 cây đào, lê, trừ chi phí mỗi năm thu được hơn 30 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống đã khấm khá hơn”.

Nậm Nhùn vượt khó

Hết năm 2021 cũng là thời điểm ngành Nông nghiệp huyện biên giới Nậm Nhùn nhìn lại năm qua. Vượt qua khó khăn, ngành Nông nghiệp huyện vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, đón xuân mới với niềm tin vào sự đổi thay mạnh mẽ hơn nữa.

Huyện Nậm Nhùn là 1 trong 56 huyện nghèo nhất cả nước theo chương trình 30a/CP. Phương thức chăn thả tự do, không chuồng trại là nguyên nhân chính phát sinh các ổ dịch trên đàn vật nuôi; phá hoại cây trồng ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất. Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát, dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò phát sinh trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi. Mặc dù đã hình thành được một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người nông dân thông qua các hợp đồng thu mua nguyên liệu, nhưng liên kết chưa thực sự bền vững và hiệu quả. Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chưa được chú trọng; tập quán canh tác còn lạc hậu.

laichau.jpg

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, một trong những hướng đi góp phần giúp bức tranh nông nghiệp huyện Nậm Nhùn khởi sắc trong năm 2021 đầy khó khăn.

Ông Đỗ Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết: Trước những khó khăn của năm 2021, để đạt được các chỉ tiêu trong sản xuất nông nghiệp, Phòng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, kế hoạch năm và cả giai đoạn phát triển. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng xã. Chuẩn bị bước vào năm mới với khí thế mới, niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa; chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền các nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến người dân. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp trong sự phát triển chung của huyện.

Điển hình trong việc thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án trong sản xuất nông nghiệp năm qua là các xã: Nậm Chà, Nậm Hàng, Lê Lợi, Mường Mô. Tại xã Nậm Chà, năm 2021 dù còn nhiều khó khăn nhưng xã đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó, trồng rừng sản xuất 97,34ha, đạt 174% kế hoạch giao; trồng rừng phòng hộ 36,97ha, đạt 123,2% kế hoạch giao; tổng đàn gia súc hơn 2.300 con với tỷ lệ tăng trưởng 4-5%/năm; lương thực bình quân đạt 440kg/người/năm; xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

Tại xã Mường Mô, thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã đã tư vấn, hỗ trợ người dân hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại thu nhập ổn định. Anh Lò Văn Tư ở bản Nậm Hài, xã Mường Mô chia sẻ: Năm nay dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng gia đình tôi vẫn có thu nhập ổn định từ chăn nuôi trâu, bò và trồng cây ăn quả. Quá trình trồng trọt, chăn nuôi trong năm qua đều được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn tận tình nên trâu, bò và cây trồng đều phát triển tốt, thu nhập không bị ảnh hưởng nhiều. Vẫn nuôi được lợn để mổ ăn tết và bán một con bò đi là có tiền sắm tết thôi. Ngày tết sẽ mời cán bộ xuống ăn tết cùng cho vui, cũng là để cảm ơn cán bộ trong năm đã giúp gia đình nữa. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung đang dần được định hình, thói quen trong sản xuất nông nghiệp của người dân cũng dần thay đổi.

Không chỉ ở các xã nội địa, các xã biên giới như: Nậm Ban, Trung Chải, Hua Bum, các chỉ tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước trong phát triển mô hình kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân được nâng cao rõ rệt.

Với nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất nông nghiệp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong huyện, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó nhiều chỉ tiêu khó như: khai hoang ruộng nước được 79,53ha (đạt 128,2% kế hoạch); tổng đàn vật nuôi trên địa bàn toàn huyện 205.487 con, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 5,6%; phát triển nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu được 435 lồng; vận động được 253 hộ tham gia trồng rừng năm 2021 với tổng diện tích thực hiện trên 250ha; độ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 55%... Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện, dự kiến đến hết năm 2021 sẽ đạt bình quân 14,9 tiêu chí/xã.

Sản xuất nông nghiệp bước đầu hình thành một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện như: trồng nhãn, nuôi cá lồng tại xã Mường Mô; trồng cây cà gai leo tại xã Lê Lợi.

Bước sang xuân mới 2022, huyện đề ra các chỉ tiêu chủ yếu: tổng đàn gia súc trên 28.799 con, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 4,4%, trồng mới 27ha cỏ phục vụ chăn nuôi; phấn đấu đạt bình quân tiêu chí xây dựng nông thôn mới là 15,2 tiêu chí/xã; tổ chức thực hiện trồng rừng phòng hộ trên 50ha và trồng trên 351,5ha cây quế; độ che phủ rừng đạt 56,40%...

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Trong năm 2021, tỉnh đã ban hành nhiều đề án về sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển những mặt hàng nông, lâm, thủy sản đặc thù, đặc hữu, dựa trên nguồn lực của tỉnh. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Hội nghị Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc vào đầu tháng 12/2021.

Hiện, tốc độ phát triển nông nghiệp Lai Châu đạt khoảng 5%. Trong đó, tỉnh có những mặt hàng chủ lực như: chè, quế, đặc biệt là mắc ca. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ và thu hút đầu tư vào phát triển một số sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương như: Hoa địa lan, nuôi ong dưới tán rừng, Sâm Lai Châu, Thất diệp nhất chi hoa, đương quy, đỗ trọng... Lai Châu là địa phương có thế mạnh về rừng, toàn tỉnh hiện có 479.538 ha rừng, độ che phủ đạt 51% cao hơn mức trung bình chung cả nước (42%).

Để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuẩn hóa gắn với chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, tháo gỡ ùn tắc tại cửa khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung: Thủ tướng ban hành Đề án phát triển cây mắc ca, bởi đây là cây lâm nghiệp đa mục đích, rất phù hợp với thổ nhưỡng Lai Châu; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển rừng, đặc biệt là kinh tế dưới tán rừng; hỗ trợ tỉnh phát triển các trung tâm giống, các công nghệ, kỹ thuật, quy trình canh tác.

Giá trị gia tăng toàn ngành năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD. Số lượng sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP có trên 5.496 sản phẩm, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020...

Năm 2022, ngành đề ra một số chỉ tiêu cơ bản như: tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.

Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/

Bình luận

Sản xuất trà hoa hồng hữu cơ, bán 1,5 triệu đồng/kg

Để nâng cao giá trị cho hoa hồng và các loại thảo dược, chị Triệu Thị Loan (Lâm Đồng) bắt tay vào sản xuất theo hướng hữu cơ và chế biến thành trà, tinh dầu...

Để mở cửa thị trường khó tính: Sơn La chủ động nâng cao chất lượng trái nhãn

Xác định chất lượng quyết định đến việc mở cửa cho nông sản vào nhiều thị trường khó tính, những năm gần đây, UBND huyện Sông Mã (Sơn La) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp giúp nhà vườn nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn, hướng tới xuất khẩu.

Vì sao ở miền Nam nhiều người thích gọi trái này là đào lộn hột?

Người miền Nam gọi đào lộn hột là trái điều. Nhưng tôi thích cái tên "đào lộn hột" vì nó ấn tượng hơn. Nghe tên gọi đã hình dung ngay ra trái - một thứ trái dáng dấp khá lạ lùng...

Đặc sản muối tôm: Nét ẩm thực của người Tây Ninh

Tây Ninh là vùng đất không có diêm dân (không có nghề làm muối) vì không phải là đất giáp biển, cũng không là nơi có con tôm mà lại là nơi nổi tiếng của một sản phẩm liên quan trực tiếp đến biển là muối và tôm

Giảng viên nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng

Với việc trồng 2 ha dừa và thuê thêm vườn dừa của hàng xóm để "vắt mật", mỗi tháng anh Ngãi xuất bán khoảng 8 tấn mật dừa, thu về gần một tỷ đồng.

Nghêu Việt Nam gây bất ngờ tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022

Nghêu Việt Nam trưng bày tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022 ở Barcelona, Tây Ban Nha những ngày qua thực sự tạo ấn tượng bất ngờ với đối tác nước ngoài.

Phát triển nông sản an toàn, tạo niềm tin với người tiêu dùng

Phát triển nông sản an toàn tạo uy tín, thương hiệu và niềm tin với người tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường, tạo sự phát triển bền vững.

Tại sao mật ong Việt Nam lo khó cạnh tranh với mật ong Ấn Độ ở Mỹ?

Mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho mật ong Việt Nam vào Mỹ trong kết luận mới đây dù đã giảm nhiều lần so với kết luận sơ bộ, song mật ong Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh với mật ong Ấn Độ tại thị trường này.

Đặc sản đất Việt: Trung Quốc, Ấn Độ bao mua, Đài Loan, Malaysia xếp hàng chờ tới lượt

Liên kết sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng, cây thạch đen đặc sản Lạng Sơn đang được khách hàng Trung Quốc, Ấn Độ bao mua lượng lớn. Khách Đài Loan, Hong Kong hay Malaysia muốn đặt mua phải “xếp hàng” chờ tới lượt bởi không đủ cung.

Đào Bắc Hà mất mùa nhưng dễ bán, giá cao

Do rét đậm, rét hại kéo dài đúng dịp đào ra hoa nên năm nay đào Bắc Hà (Lào Cai) mất mùa. Bù lại, đào quả to, đều, dễ bán và có giá cao.