Ngành nuôi ong tìm cách ứng phó trước khó khăn chưa từng có

Ngành nuôi ong Việt Nam đang gặp phải khó khăn chồng chất khó khăn trước nguy cơ có thể chính thức bị áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ trên 410%.

chum-anh-mua-thu-hoach-mat-ong-o-dak-lak.jpg

Mùa thu hoạch mật ong ở Đắk Lắk.

Khó khăn chưa từng có

Là một trong những địa phương có nghề nuôi ong mật thành công nhất cả nước, nhưng Đắk Lắk đang gặp khó khăn chưa từng có bởi mật ong Việt Nam mới bị áp thuế chống bán phá giá tới hơn 400% tại thị trường Hoa Kỳ.

Ông Viên Đình Sơn là một người nuôi ong sành sỏi ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ với hơn 500 đàn, sản lượng gần 50 tấn mỗi năm, cũng đang hết cách xoay xở; mật ong đã tích đầy mấy bồn 5.000 l mà vẫn chưa bán được đợt nào. Ông Sơn cho biết, giá mật ong hiện chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg, bằng nửa giá trung bình những vụ trước nhưng cũng rất khó tiêu thụ.

“Hiện tại mật tôi đã thu khoảng trên 20 tấn nhưng chưa tiêu thụ được. Lý do là các công ty mật ong họ đóng cửa không thu mua, vì họ cũng không xuất khẩu được. Bây giờ nếu có bán được thì giá thấp, chi phí chăn nuôi cao thì cũng sẽ thua lỗ nhiều” - ông Sơn chia sẻ.

Kế bên nhà ông Viên Đình Sơn là ông Viên Đình Tiến, cũng đang tồn dư hàng chục tấn mật chưa bán được. Theo ông Tiến, để có lời, gia đình phải bán ở mức giá từ 25.000 - 28.000 đồng/kg nhưng vụ năm nay giá cao nhất cũng chỉ  ở mức 17.000 đồng/kg. Chưa kể, năm nay dịch Covid-19 hoành hành khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào của nghề nuôi ong tăng gấp đôi thậm chí gấp 3, khiến gia đình gặp muôn vàn khó khăn.

“Gia đình rất lo lắng đầu ra cho mật ong, bán không được. Tôi mong muốn cấp trên hỗ trợ đầu ra cho bà con nuôi ong” - ông Tiến nói.

Ông Lê Thanh Vân – Tổng giám đốc Công ty CP ong mật Đắk Lắk, Chủ tịch Hội xuất khẩu mật ong Việt Nam cho biết, người nuôi ong ở Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là từ cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố áp mức thuế sơ bộ chống bán phá giá mặt hàng mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ lên tới hơn 412%, khiến các công ty xuất khẩu không bán được hàng. Ngay như Công ty CP ong mật Đắk Lắk, thời điểm này năm trước đã thu mua trên 2.000 tấn để xuất khẩu, nhưng năm nay mới chỉ thu mua khoảng 100 tấn.

“Trên 95% các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong ở Việt Nam, trong đó có mật ong Đắk Lắk đều xuất khẩu vào Hòa Kỳ, chỉ duy nhất một thị trường đơn độc. Khi áp thuế như vậy không một doanh nghiệp nào đứng vững được, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và hàng vạn người nuôi ong. Tình hình này kéo dài đến tháng 4/2022 thì nhiều doanh nghiệp có thể phải đóng cửa, người nuôi có thể bỏ nghề” - ông Vân nói.

Vào tháng 4/2021, Hội các nhà nuôi ong Mỹ nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam và một số nước khác. Đến cuối tháng 11/2021, DOC công bố mức thuế sơ bộ chung dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu ong mật của Việt Nam là 412,49%.

Sau khi Hoa Kỳ công bố mức áp thuế mới, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một số ngành liên quan cùng các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong đã họp tìm các giải pháp. Tuy nhiên việc đàm phán giảm thuế cũng như tìm kiếm thị trường mới, khó có thể đạt kết quả trong thời gian ngắn. Ngành ong ở Đắk Lắk và của cả nước vẫn đứng trước thách thức rất lớn.

Chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ

Bộ Công Thương khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong trong nước tích cực phối hợp với DOC và bày tỏ quan điểm trong giai đoạn điều tra tiếp theo; đồng thời nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tăng cường tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa mặt hàng, thị trường xuất khẩu trong dài hạn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ quy định, tập quán của các nước nhập khẩu, chú trọng nâng cao chất lượng và không phá giá dẫn đến nguy cơ tiếp tục bị điều tra phòng vệ thương mại.

Hiện nay, ngành nuôi ong mang lại việc làm cho khoảng hơn 35 vạn hộ nông dân và tạo ra sản lượng mật hàng năm khoảng 70.000 tấn; trong đó, 90% sản lượng được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Trên thực tế, mật ong đã được Bộ Công Thương đưa vào Danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ năm 2020 và gửi cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh để phối hợp theo dõi.

Từ tháng 3/2021, khi nhận được thông tin về khả năng Hoa Kỳ điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các buổi họp với Hội Nuôi Ong và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ để chuẩn bị ứng phó.

Ngay khi DOC khởi xướng vụ việc, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao đổi vụ việc với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ trong các cuộc tiếp xúc song phương.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các phương án ứng phó và hỗ trợ ngành nuôi ong.

Trong quá trình điều tra, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam đã chủ động phối hợp với nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và luật sư tư vấn để hỗ trợ trả lời bản câu hỏi điều tra và hợp tác với DOC.

Thế nhưng, do Hoa Kỳ chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và sử dụng dữ liệu thay thế bất lợi của Ấn Độ dẫn đến các doanh nghiệp phải chịu mức thuế rất cao.

Đáng lưu ý, trong quá trình Hoa Kỳ điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã có thư gửi các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ như DOC, Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ nhằm phản đối phương pháp tính thuế của Hoa Kỳ.

Hơn nữa, tại các cuộc họp giữa Bộ Công Thương và các đoàn công tác của Hoa Kỳ như Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam... Bộ Công Thương đều đề nghị phía Hoa Kỳ xem lại vụ việc, đánh giá một cách khách quan, công bằng theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngành mật ong Việt Nam.

Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mật ong theo dõi sát sao vụ việc.

5507_17-1307_myt_ong_xk.jpg

Để tránh các vụ kiện PVTM, bên cạnh giữ vững thị trường Mỹ, XK mật ong Việt Nam cũng cần đa dạng hoá thị trường XK hơn nữa. 

Cùng với đó, hỗ trợ Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu mật ong ở giai đoạn điều tra tiếp theo và tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan; đẩy mạnh đối thoại với Hoa Kỳ ở các cấp, đồng thời tiếp tục cung cấp thông tin và các lập luận về mặt pháp lý, kỹ thuật cho phía Hoa Kỳ.

Đặc biệt, sau khi đánh giá thị trường nội địa và một số thị trường khác vẫn còn dư địa tăng trưởng, Bộ Công Thương đang hướng dẫn các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ mật ong tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mật ong, nhất là với những đối tác mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do.

Tận dụng các dư địa tăng trưởng

Cách đây 4 tháng, sau khi Hoa Kỳ ban hành kết luật sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam, mật ong Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường này phải chịu thuế trên 410% thay vì 5% như thông lệ. Cũng kể từ đó, việc xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ gần như đóng băng. Theo Hội nuôi ong việt Nam thiệt hại có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, nếu kết luận cuối cùng vào ngày 8/4, Hoa Kỳ vẫn áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao như vậy, Việt Nam sẽ yêu cầu Hoa Kỳ rà soát lại các bước điều tra hoặc đưa vấn đề này lên WTO giải quyết theo đúng quy định. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều kế hoạch thương mại khác cho mật ong Việt Nam.

4mm1.jpg

Thu hoạch mật ong chuẩn bị cung ứng ra thị trường.

"Ban lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo hội nuôi ong giới thiệu mật ong ra các thị trường khác để xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng các hiệp định thương mại tự do mới với EU, Anh hay RCEP. Đây đều là những hiệp định rất tốt, các đối tác cam kết đưa mức thuế xuất khẩu về 0%", ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho hay.

Tuy nhiên, hiện nay sản lượng mật hàng năm khoảng 70.000 tấn, trong đó 90% được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nên việc thay thế một thị trường chủ lực như vậy cần nhiều thời gian và công tác chuẩn bị.

Ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam cho hay: "EU và thị trường châu Âu nói chung có những yêu cầu khác về mặt chất lượng mà ở điều kiện nhiệt đới của chúng ta khó đáp ứng được. Còn các thị trường khác như Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản nhu cầu ở các nước này không lớn và yêu cầu về chất lượng cũng chưa hẳn là phù hợp".

Ngoài ra, sau khi đánh giá thị trường nội địa và một số thị trường khác vẫn còn dư địa tăng trưởng, Bộ Công Thương đang hướng dẫn các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ mật ong tại thị trường trong nước./.

 

 

Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/

Bình luận

Sản xuất trà hoa hồng hữu cơ, bán 1,5 triệu đồng/kg

Để nâng cao giá trị cho hoa hồng và các loại thảo dược, chị Triệu Thị Loan (Lâm Đồng) bắt tay vào sản xuất theo hướng hữu cơ và chế biến thành trà, tinh dầu...

Để mở cửa thị trường khó tính: Sơn La chủ động nâng cao chất lượng trái nhãn

Xác định chất lượng quyết định đến việc mở cửa cho nông sản vào nhiều thị trường khó tính, những năm gần đây, UBND huyện Sông Mã (Sơn La) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp giúp nhà vườn nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn, hướng tới xuất khẩu.

Vì sao ở miền Nam nhiều người thích gọi trái này là đào lộn hột?

Người miền Nam gọi đào lộn hột là trái điều. Nhưng tôi thích cái tên "đào lộn hột" vì nó ấn tượng hơn. Nghe tên gọi đã hình dung ngay ra trái - một thứ trái dáng dấp khá lạ lùng...

Đặc sản muối tôm: Nét ẩm thực của người Tây Ninh

Tây Ninh là vùng đất không có diêm dân (không có nghề làm muối) vì không phải là đất giáp biển, cũng không là nơi có con tôm mà lại là nơi nổi tiếng của một sản phẩm liên quan trực tiếp đến biển là muối và tôm

Giảng viên nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng

Với việc trồng 2 ha dừa và thuê thêm vườn dừa của hàng xóm để "vắt mật", mỗi tháng anh Ngãi xuất bán khoảng 8 tấn mật dừa, thu về gần một tỷ đồng.

Nghêu Việt Nam gây bất ngờ tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022

Nghêu Việt Nam trưng bày tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022 ở Barcelona, Tây Ban Nha những ngày qua thực sự tạo ấn tượng bất ngờ với đối tác nước ngoài.

Phát triển nông sản an toàn, tạo niềm tin với người tiêu dùng

Phát triển nông sản an toàn tạo uy tín, thương hiệu và niềm tin với người tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường, tạo sự phát triển bền vững.

Tại sao mật ong Việt Nam lo khó cạnh tranh với mật ong Ấn Độ ở Mỹ?

Mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho mật ong Việt Nam vào Mỹ trong kết luận mới đây dù đã giảm nhiều lần so với kết luận sơ bộ, song mật ong Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh với mật ong Ấn Độ tại thị trường này.

Đặc sản đất Việt: Trung Quốc, Ấn Độ bao mua, Đài Loan, Malaysia xếp hàng chờ tới lượt

Liên kết sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng, cây thạch đen đặc sản Lạng Sơn đang được khách hàng Trung Quốc, Ấn Độ bao mua lượng lớn. Khách Đài Loan, Hong Kong hay Malaysia muốn đặt mua phải “xếp hàng” chờ tới lượt bởi không đủ cung.

Đào Bắc Hà mất mùa nhưng dễ bán, giá cao

Do rét đậm, rét hại kéo dài đúng dịp đào ra hoa nên năm nay đào Bắc Hà (Lào Cai) mất mùa. Bù lại, đào quả to, đều, dễ bán và có giá cao.