Sợi dứa Việt Nam đan túi hàng hiệu trời Tây, dệt Kimono ở Nhật

Sợi dứa có đặc tính thấm và hút mồ hôi tốt. Sợi dai, bền hơn sợi chuối. Ngoài ra, mảnh, mịn, mềm. Về giá thành, hiện sợi lá dứa cao hơn sợi chuối nhưng rẻ hơn sợi tơ tằm.

Từ cánh đồng nắng cháy nắng Việt Nam sang EU, Nhật Bản

Dưới ánh trời hè như thiêu đốt, chị gái của Nguyễn Văn Hạnh “cõng nắng” thu hái quả trên cánh đồng dứa. 18 tháng để cho ra đời một quả dứa chín ruộm, vậy thu hoạch xong người nông dân sẽ kiếm thu nhập từ đâu với quãng thời gian nghỉ kéo dài sau đó?

Hình ảnh người chị còng lưng giữa những khóm dứa gắn chặt với tuổi thơ Hạnh. Rồi chính anh cũng trở thành một nông dân trồng dứa vào năm 2015. Tuy nhiên, câu hỏi về những nguyên liệu còn tận dụng được từ cánh đồng, câu hỏi về cách tăng thu nhập cho bà con nông dân đã có lời giải.

Sau thời gian nghiên cứu và xây dựng quy trình, tháng 3/2021 - Công ty CP Nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Eco (Ecosoi) ra đời. Nguyễn Văn Hạnh là Giám đốc sản xuất của DN.

Trước đây, người dân phải ngâm cho thối rữa lá mới chuốt lấy được sợi. Công đoạn đó vừa gây ô nhiễm nguồn nước, vừa mất thời gian. Còn giờ, DN đã có công nghệ tuốt trực tiếp cho ra sợi lá dứa trong ngày.

cuoc-do-bo-ngoai-quoc-cua-doanh-nghiep-viet-1.jpg


Nông dân thu hoạch lá dứa 

cuoc-do-bo-ngoai-quoc-cua-doanh-nghiep-viet.jpg


Sợi lá dứa đang được phơi

Hơn 1 năm sau khi thành lập, tháng 6/2022 tới đây, dự kiến những container sợi lá dứa đầu tiên của công ty sẽ lên đường sang Thụy Sỹ. Bạn hàng thỏa thuận hợp tác, đặt cung cấp tối thiểu 7 tấn sợi/tháng.

Sợi dứa từ nắng đồng quê hương sẽ sang thị trường EU, làm nguyên liệu sản xuất những chiếc túi xách giá trị cao. Thay vì việc dùng da động vật làm túi, phải sát sinh thì đối tác nước ngoài hướng đến sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường.

Ngoài Thụy Sĩ, khách hàng Nhật Bản cũng đang trong quá trình đàm phán, mua sợi dứa để sản xuất một số sản phẩm mang yếu tố sợi dùng trong hoàng cung, có cả những bộ kimono.

Sợi dứa có đặc tính thấm và hút mồ hôi tốt. Sợi dai, bền hơn sợi chuối. Ngoài ra, mảnh, mịn, mềm. Về giá thành, hiện sợi lá dứa cao hơn sợi chuối nhưng rẻ hơn sợi tơ tằm. Do vậy, cần đầu tư dây chuyền để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm.

Vì chưa có vốn nên thời gian đầu, công ty xuất sợi thô để lấy dòng tiền tái đầu tư nhà xưởng. Sau đó, tính toán dần đẩy mạnh chế biến hàng thủ công mỹ nghệ từ sợi dứa.

Hiện, ngoài 12 nhân công sản xuất tại cơ sở chính ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), DN đang liên hệ với các vùng nguyên liệu ở Tiền Giang, Thanh Hóa, Ninh Bình, Lào Cai nhằm hướng tới chuyển giao quy trình tuốt sợi. Sau đó, thu mua thành phẩm chính tại địa phương, tạo sinh kế cho người nông dân.

cuoc-do-bo-ngoai-quoc-cua-doanh-nghiep-viet-2.jpg

Thành phẩm túi được làm từ sợi lá dứa

Dự kiến, chính vụ dứa có thể thu hoạch từ 15-20 tấn sợi/tháng, còn trung bình khoảng 7 tấn/tháng.

“Dứa được trồng nhiều và lá đang bỏ phí, giờ sẽ được khai thác, phát triển thành sợi. Đến một ngày, chúng tôi sẽ liên hệ với các hội người khuyết tật để tìm nguồn thợ sản xuất, may đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Chặng đường phía trước chẳng dễ gì đâu nhưng tôi tin và hy vọng vào thành công. Nào có ai đánh thuế ước mơ”, Hạnh nói.

Cà phê Việt, nước mắm Việt và chuyến chu du châu Âu, Trung Đông

Trong khi Nguyễn Văn Hạnh đang mải mê tại xưởng tuốt sợi dứa thì những ngày đầu tháng 10/2021, thời điểm “bình thường mới”, thành viên chủ chốt của các DN từ Cộng hòa Séc, Nga lại đang cách ly tại Đà Nẵng, Hà Nội. Họ chờ đủ thời gian để di chuyển vào TP.HCM.

Tại nhà máy sản xuất xuất của Meet More Coffee ở Hóc Môn (TP.HCM), sau khi tìm hiểu quy trình chế biến, nguồn gốc nguyên liệu, các đối tác đã ký đơn hàng với sản phẩm cà phê nông sản Việt.

Đúng ngày 1/1/2022, hai container 40 feet chất kín sản phẩm “made in Việt Nam” lên đường sang các nước bạn. Giá trị lô hàng xuất khẩu khoảng 220.000 USD (xấp xỉ 5 tỷ đồng).

“Trước đó, mọi trao đổi thông tin giữa chúng tôi với bạn hàng thực hiện trực tuyến, hàng mẫu đã gửi đi liên tục trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội. Đối tác nước bạn chú ý vì sản phẩm lạ. Ngoài hương vị cà phê còn có tinh chất các loại nông sản được hòa trộn cùng. Do đó, họ quyết định tìm đến chúng tôi”, CEO Meet More - Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ.

c3.jpg


Lô cà phê nông sản Việt lên đường xuất ngoại đúng ngày đầu năm mới 2022

Không chỉ có cà phê, nước mắm cũng là một sản phẩm truyền thống Việt Nam. Trước khi quay về thị trường nội địa vào cuối năm 2021, nước mắm MaMi của Pacific Foods đã có cuộc dạo chơi gian nan ở bên kia bán cầu.

8 tháng là quãng thời gian Chủ tịch Công ty - ông Lê Bá Linh - điên đầu để bằng mọi cách đưa chai nước mắm truyền thống Việt, từ khi đăng ký đến khi niêm yết được trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Từ vị trí chỉ đứng hơn 2.000, sau khi đăng ký, DN thực hiện quảng bá, sản phẩm dần được đón nhận tại thị trường Hoa Kỳ và chính thức lên Top 1 Amazon vào tháng 4/2020.

Đến nay, chai nước mắm Việt không chỉ phân phối trên Amazon mà còn “đấu” với sản phẩm của Thái Lan, Malaysia. Trung bình một tháng, hai container nước mắm được xuất sang thị trường Mỹ với sản lượng gần 50.000 chai.

Không chỉ vậy, sản phẩm còn có mặt ở châu Âu, Canada, Singapore và sẽ tấn công mạnh thị trường Úc, Malaysia, Trung Quốc. Pacific Foods đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để có chứng nhận “Halal” - giấy chứng nhận sản phẩm đặc thù để có thể bước chân vào thị trường đạo hồi của các quốc gia khu vực Trung Đông.

Theo ông Lê Bá Linh, thời gian tới, các DN rất cần những gói tín dụng để vực dậy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất. Khi đủ lực xuất khẩu ở nhiều thị trường giúp DN không còn bị lệ thuộc vào 1, 2 thị trường hay bạn hàng. Đồng thời, sản phẩm nội địa có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng trên thế giới. Đó là bàn đạp để đưa sản phẩm thương hiệu Việt “đem chuông đi đánh xứ người”.

c4.jpg

Chai nước mắm Việt đứng top sàn Amazon

Việc DN Việt hướng đến các thị trường quốc tế là động lực, góp phần kéo giãn cán cân xuất nhập khẩu. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính hết tháng 11/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt 602 tỷ USD, chính thức vượt mức kỷ lục 500 tỷ USD đã đạt được vào 2 năm trước.

Trong đó, xuất khẩu đạt 299,67 tỷ USD (tương đương mức tăng 17,5%); nhập khẩu đạt 299,45 tỷ USD (tăng 27,5%). Như vậy, tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 3,57 tỷ USD; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD (tăng 15,4%); nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD (tăng 3,5%). Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò chủ lực với kim ngạch xuất khẩu đạt 266,75 tỷ USD (tăng 18%) và chiếm tỷ trọng 89% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong 11 của năm 2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD (tăng 22,2% so với cùng kỳ). Tiếp đến là Trung Quốc; EU; ASEAN; Hàn Quốc và Nhật Bản.


 

Nguồn: Theo Vietnamnet.vn

Bình luận

Sản xuất trà hoa hồng hữu cơ, bán 1,5 triệu đồng/kg

Để nâng cao giá trị cho hoa hồng và các loại thảo dược, chị Triệu Thị Loan (Lâm Đồng) bắt tay vào sản xuất theo hướng hữu cơ và chế biến thành trà, tinh dầu...

Để mở cửa thị trường khó tính: Sơn La chủ động nâng cao chất lượng trái nhãn

Xác định chất lượng quyết định đến việc mở cửa cho nông sản vào nhiều thị trường khó tính, những năm gần đây, UBND huyện Sông Mã (Sơn La) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp giúp nhà vườn nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn, hướng tới xuất khẩu.

Vì sao ở miền Nam nhiều người thích gọi trái này là đào lộn hột?

Người miền Nam gọi đào lộn hột là trái điều. Nhưng tôi thích cái tên "đào lộn hột" vì nó ấn tượng hơn. Nghe tên gọi đã hình dung ngay ra trái - một thứ trái dáng dấp khá lạ lùng...

Đặc sản muối tôm: Nét ẩm thực của người Tây Ninh

Tây Ninh là vùng đất không có diêm dân (không có nghề làm muối) vì không phải là đất giáp biển, cũng không là nơi có con tôm mà lại là nơi nổi tiếng của một sản phẩm liên quan trực tiếp đến biển là muối và tôm

Giảng viên nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng

Với việc trồng 2 ha dừa và thuê thêm vườn dừa của hàng xóm để "vắt mật", mỗi tháng anh Ngãi xuất bán khoảng 8 tấn mật dừa, thu về gần một tỷ đồng.

Nghêu Việt Nam gây bất ngờ tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022

Nghêu Việt Nam trưng bày tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022 ở Barcelona, Tây Ban Nha những ngày qua thực sự tạo ấn tượng bất ngờ với đối tác nước ngoài.

Phát triển nông sản an toàn, tạo niềm tin với người tiêu dùng

Phát triển nông sản an toàn tạo uy tín, thương hiệu và niềm tin với người tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường, tạo sự phát triển bền vững.

Tại sao mật ong Việt Nam lo khó cạnh tranh với mật ong Ấn Độ ở Mỹ?

Mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho mật ong Việt Nam vào Mỹ trong kết luận mới đây dù đã giảm nhiều lần so với kết luận sơ bộ, song mật ong Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh với mật ong Ấn Độ tại thị trường này.

Đặc sản đất Việt: Trung Quốc, Ấn Độ bao mua, Đài Loan, Malaysia xếp hàng chờ tới lượt

Liên kết sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng, cây thạch đen đặc sản Lạng Sơn đang được khách hàng Trung Quốc, Ấn Độ bao mua lượng lớn. Khách Đài Loan, Hong Kong hay Malaysia muốn đặt mua phải “xếp hàng” chờ tới lượt bởi không đủ cung.

Đào Bắc Hà mất mùa nhưng dễ bán, giá cao

Do rét đậm, rét hại kéo dài đúng dịp đào ra hoa nên năm nay đào Bắc Hà (Lào Cai) mất mùa. Bù lại, đào quả to, đều, dễ bán và có giá cao.