Vụ lúa rẫy của đồng bào dân tộc T’rin được mùa

Năm nay, vụ lúa rẫy của đồng bào T’rin được mùa, cùng với gạo giữ rừng, gạo hỗ trợ của Nhà nước, bà con nơi đây đã không còn lo cái đói, đặc biệt là những ngày giáp hạt.

trin_2.jpg

Bà con, họ hàng đổi công tuốt lúa rẫy cho nhau để thu hoạch vụ mùa được nhanh và tránh lúa chín rụng trên rẫy. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Đồng bào T'rin ở hai thôn Gia Lố, Gia Rích, xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, theo phong tục cứ gieo hạt lúa vào đất, nhờ sương trời gió núi, những giống lúa vươn mình nảy mầm xanh rồi đơm bông, kết thành những “hạt ngọc” to, chắc nịch; khi nấu chín có mùi thơm đặc trưng đại ngàn. Đồng bào gọi đó là lúa rẫy, đằng sau những cây lúa rẫy là một bề dày bản sắc văn hóa dân tộc.

Năm nay, vụ lúa rẫy của đồng bào T’rin được mùa, cùng với gạo giữ rừng, gạo hỗ trợ của Nhà nước, bà con nơi đây đã không còn lo cái đói, đặc biệt là những ngày giáp hạt. Đến Giang Ly những ngày đầu tháng 1, lúa mới được phơi trong các sân, mùi cơm lúa rẫy chín tỏa ra ngào ngạt, lan khắp thôn, bản bởi lúa được trồng hoàn toàn tự nhiên theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Mặc khác, hạt gạo được giã thủ công nên giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng cao.

Năm 2021, xã Giang Ly có khoảng 32 ha lúa rẫy. Diện tích trồng lúa biến động theo từng năm, bởi tập quán trồng trọt của đồng bào. Mỗi năm, lúa rẫy chỉ được trồng đúng một mùa vụ, từ tháng 6 đến tháng 12 hoặc sớm hơn từ tháng 5 đến tháng 11.

Quy trình trồng lúa rẫy khái quát ngắn gọn thì rất đơn giản. Vào đầu mùa vụ, đồng bào chọn những con đồi thoải vừa dốc, kết hợp trồng lúa rẫy khi cây keo còn thấp. Khi mưa xuống, đất mềm và tơi hơn, bà con lấy những hạt lúa giống đã tuyển chọn gieo vào đất.

Không có cày bừa như lúa nước, chỉ có hình ảnh người đàn ông đi trước đào lỗ, người phụ nữ bỏ hạt lúa xuống rồi lấp đất lại. Trải qua quá trình dầm mưa, dãi nắng, cây lúa hội đủ linh khí của đất trời, đơm bông, tỏa hương thơm ngào ngạt, đúng tháng thứ 6 của chu kỳ sinh trưởng. Cả quá trình trồng lúa rẫy, cây lúa không hề được chăm bón phân thuốc, chỉ được làm cỏ.

Mùa thu hoạch đến, lúa chín vàng ươm cả những vạt đồi. Người trong thôn đổi công cho nhau để thu hoạch lúa nên thời vụ diễn ra rất nhanh. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, họ dựng chòi trên rẫy, thay phiên nhau tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi chứ không dùng liềm để cắt lúa như ở miền xuôi.

Cây lúa sau thu hoạch, tự mục thành phân bón cho các cây keo trên triền đồi. Lúa được phơi khô, người T’rin chọn những hạt lúa to, căng tròn phơi khô cất giữ trong ống lồ ô làm giống cho vụ sau.

Chị Cà Thêm cho biết, trước mùa vụ năm nay, thời tiết không có mưa nên vụ mùa bị chậm hơn mọi năm, cả mùa vụ chỉ làm cỏ 2 lần. Những ngày đầu tháng 1, tranh thủ thời tiết thuận lợi, từ sáng sớm chị cùng người thân ra đồng.

Chỉ trong một buổi sáng, đám ruộng rộng cả một ngọn đồi đã thu hoạch xong. “Thời tiết năm nay không đảm bảo nhưng năng suất lúa vẫn đạt ở mức khá. Bà con vui mừng, phấn khởi lắm! Nhà tôi gieo hơn 5 gùi giống nay cũng tuốt được 20 bao lúa tươi. Mọi người gùi lúa trĩu lưng mà gương mặt ai cũng rạng rỡ,” chị Cà Thêm cười nói vui vẻ.

Đổi công tuốt lúa cho nhà chị Cà Thêm, chị Cà Hôm cho biết, việc trồng lúa này có từ ngày xưa, ông bà truyền lại cho hạt giống để gieo trồng. Người trong thôn từ nhỏ ai cũng biết cách trồng lúa rẫy, keo, bắp (ngô), mì (sắn)...

Tùy thời tiết có năm được mùa, có năm mất mùa. Trong suốt 6 tháng lúa sinh trưởng, người T’rin đi làm thuê, trồng rừng keo, phát rẫy để kiếm sống nên cuộc sống của các gia đình nơi đây, những năm gần đây cũng gọi là no đủ.

Theo các già làng ở Khánh Vĩnh, văn hóa lúa rẫy đặc sắc nhất phải là thời điểm Lễ cúng lúa mới. Hàng năm, sau khi thu hoạch xong, nếu lúa đạt sản lượng cao, người T’rin tổ chức ăn mừng trong gia đình để cảm ơn trời đất đã ban cho một vụ mùa bội thu.

trin_3.jpg

Một góc lúa rẫy của nhà chị Cà Thêm, xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa vào mua thu hoạch hồi đầu tháng 1. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
 
Vào những ngày lễ quan trọng trong năm như: Lễ ăn đầu lúa mới, lễ bỏ mả, lễ báo hiếu. Các lễ vật thường cúng dâng các vị thần là gà, vịt, heo và không thể thiếu hạt cơm lúa rẫy, rượu cần làm từ lúa rẫy...

Ông Pi Năng Hà Duy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Giang Ly cho biết, do đặc điểm riêng về địa hình và phong tục tập quán sản xuất nên người dân vẫn duy trì lúa rẫy. Tuy năng suất không cao, toàn xã có 32 ha chỉ đạt sản lượng 78 tấn nhưng việc trồng xen canh lúa rẫy có sức sống tốt với cây keo, tận dụng được đất rừng để sản xuất lương thực.

Xét về mặt kinh tế chưa cao nhưng nó đảm bảo cho người dân không bị thiếu đói. Chúng tôi đang tìm cách nâng dần năng suất cho cây lúa rẫy để người dân không những đủ ăn mà còn có thể bán để kiếm thêm thu nhập.

Trước thực tế diện tích trồng lúa đã nhường lại cho nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, địa phương khuyến khích người dân cố gắng giữ gìn bản sắc, phong tục truyền thống đẹp từ xa xưa của đồng bào mình. Cùng với đó, địa phương cũng ưu tiên xét duyệt việc cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Vĩnh để duy trì sản xuất đối với những hộ có nhu cầu.

“Ủy ban Nhân dân xã sẽ phổ biến những kiến thức, kỹ thuật canh tác mới, phù hợp để năng suất lúa được cao hơn. Trong tương lai, với tiềm năng về du lịch khám phá vẻ đẹp thiên nhiên đồi núi, địa phương sẽ tích cực đề xuất với chính quyền các cấp cần có cơ chế phù hợp, tích cực nghiên cứu, lập đề án gắn sản xuất lúa rẫy với phát triển du lịch cộng đồng, để vừa đảm bảo kinh tế, vừa góp phần giữ gìn, duy trì và phát huy được những bản sắc văn hóa dân tộc của cha ông", ông Pi Năng Hà Duy nói.

 

Nguồn: Vietnam+

Bình luận

Sản xuất trà hoa hồng hữu cơ, bán 1,5 triệu đồng/kg

Để nâng cao giá trị cho hoa hồng và các loại thảo dược, chị Triệu Thị Loan (Lâm Đồng) bắt tay vào sản xuất theo hướng hữu cơ và chế biến thành trà, tinh dầu...

Để mở cửa thị trường khó tính: Sơn La chủ động nâng cao chất lượng trái nhãn

Xác định chất lượng quyết định đến việc mở cửa cho nông sản vào nhiều thị trường khó tính, những năm gần đây, UBND huyện Sông Mã (Sơn La) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp giúp nhà vườn nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn, hướng tới xuất khẩu.

Vì sao ở miền Nam nhiều người thích gọi trái này là đào lộn hột?

Người miền Nam gọi đào lộn hột là trái điều. Nhưng tôi thích cái tên "đào lộn hột" vì nó ấn tượng hơn. Nghe tên gọi đã hình dung ngay ra trái - một thứ trái dáng dấp khá lạ lùng...

Đặc sản muối tôm: Nét ẩm thực của người Tây Ninh

Tây Ninh là vùng đất không có diêm dân (không có nghề làm muối) vì không phải là đất giáp biển, cũng không là nơi có con tôm mà lại là nơi nổi tiếng của một sản phẩm liên quan trực tiếp đến biển là muối và tôm

Giảng viên nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng

Với việc trồng 2 ha dừa và thuê thêm vườn dừa của hàng xóm để "vắt mật", mỗi tháng anh Ngãi xuất bán khoảng 8 tấn mật dừa, thu về gần một tỷ đồng.

Nghêu Việt Nam gây bất ngờ tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022

Nghêu Việt Nam trưng bày tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022 ở Barcelona, Tây Ban Nha những ngày qua thực sự tạo ấn tượng bất ngờ với đối tác nước ngoài.

Phát triển nông sản an toàn, tạo niềm tin với người tiêu dùng

Phát triển nông sản an toàn tạo uy tín, thương hiệu và niềm tin với người tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường, tạo sự phát triển bền vững.

Tại sao mật ong Việt Nam lo khó cạnh tranh với mật ong Ấn Độ ở Mỹ?

Mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho mật ong Việt Nam vào Mỹ trong kết luận mới đây dù đã giảm nhiều lần so với kết luận sơ bộ, song mật ong Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh với mật ong Ấn Độ tại thị trường này.

Đặc sản đất Việt: Trung Quốc, Ấn Độ bao mua, Đài Loan, Malaysia xếp hàng chờ tới lượt

Liên kết sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng, cây thạch đen đặc sản Lạng Sơn đang được khách hàng Trung Quốc, Ấn Độ bao mua lượng lớn. Khách Đài Loan, Hong Kong hay Malaysia muốn đặt mua phải “xếp hàng” chờ tới lượt bởi không đủ cung.

Đào Bắc Hà mất mùa nhưng dễ bán, giá cao

Do rét đậm, rét hại kéo dài đúng dịp đào ra hoa nên năm nay đào Bắc Hà (Lào Cai) mất mùa. Bù lại, đào quả to, đều, dễ bán và có giá cao.