Công nghệ tiên tiến: ''Chìa khóa'' của nền nông nghiệp hiện đại

Những công nghệ tiên tiến đã và đang được nhiều nông dân ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao. Đây được xem là hướng đi tất yếu, “chìa khóa” của nền nông nghiệp hiện đại của nhiều địa phương.

nong-nghiep-cong-nghe-cao1.jpg

Cần có những cơ chế thông thoáng hơn cho DN ứng dụng CNC trong nông nghiệp tại Hà Nội.

Hà Nội: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Dưới cái nắng chang chang của ngày đầu tháng 7, những thửa ruộng của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) vẫn xanh tốt, rau không bị cháy lá, dưa lưới cho quả đều và sai. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Thành quả đó là nhờ đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng các nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Kinh phí đầu tư không quá lớn (khoảng 1 triệu đồng/sào) nhưng đã khẳng định hiệu quả rõ rệt, giảm sức lao động cho nông dân, tưới đúng, đủ lượng nước, tránh lãng phí...

Cách đây vài năm, Hợp tác xã là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ đã phối hợp với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa... làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả. Ngoài ra, Hợp tác xã đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp cho Ban giám đốc dù ở bất kỳ đâu cũng có thể dễ dàng quản lý vùng sản xuất theo quy trình... Nhờ sản xuất rau, quả bằng công nghệ cao, mỗi ngày Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn thu mua gần 2 tấn rau quả sạch mà không lo ảnh hưởng bởi thời tiết. Sản phẩm được cung cấp cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích và 11 trường học theo hợp đồng liên kết.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thống kê đến hết tháng 4-2021, toàn thành phố đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 109 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình trong lĩnh vực thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. “Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tuy quy mô nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội” - ông Chu Phú Mỹ cho biết.

Không chỉ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều nông dân trẻ, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã ở nông thôn cũng đã nhanh nhạy bắt nhịp với thị trường thương mại điện tử. Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: Đầu tháng 6-2021, lần đầu tiên đơn vị phối hợp với một số cơ quan tổ chức “Ngày hội livestream sản phẩm OCOP Hà Nội”, trong đó có rất nhiều sản phẩm nông sản, thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Anh Phùng Đắc Dũng, thành viên Hợp tác xã Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch bệnh, việc tiếp cận khách hàng là vô cùng khó. Chúng tôi phải làm quen dần với các hình thức livestream để chia sẻ giá trị sản phẩm, đồng thời tiếp cận hàng nghìn khách hàng trên mạng xã hội bởi đây vừa là giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh, vừa là kênh bán hàng phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại”.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí: Con số 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hà Nội đã thực hiện đến nay còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Chưa kể, các mô hình trên địa bàn Hà Nội mới chỉ được ứng dụng công nghệ cao ở một số công đoạn nhỏ trong chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm. Hà Nội vẫn chưa có khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao đúng nghĩa...

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” tiếp tục xác định: “Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Về mục tiêu cụ thể, “Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%”.

Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong sản xuất nông nghiệp để mỗi người dân trở thành chuyên gia. Hà Nội khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và chế biến. Thành phố cũng sẽ xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong nước và quốc tế; thực hiện chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến sâu; đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp...

Thanh Hóa: Tiếp sức cho các mô hình nông nghiệp dám nghĩ, dám làm

Xã Thọ Thanh (Thường Xuân) có diện tích gần 10 cây số vuông nằm bên bờ sông Chu. Đồng chí Vũ Thị Thu Phương, Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh, phấn khởi cho biết: Phong trào xây dựng nông thôn mới đã mang đến cho xã một luồng sinh khí mới. Các công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư kiên cố, giao thông đi lại thuận tiện, cuộc sống người dân được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, bà con đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm truyền thống, tích cực chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Một số hộ dân đã chủ động dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai thành diện tích lớn, đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới, liên kết liên doanh với các doanh nghiệp nhằm tạo chuỗi sản xuất bền vững, cho hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của toàn xã lên 36,2 triệu đồng/năm...

177d3195309t73308l0.jpg

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của gia đình chị Hoàng Thị Lài ở xã Thọ Thanh (Thường Xuân).

Trước đây, trên xứ đồng Khai Hoang, thôn Hồng Kỳ bà con chủ yếu trồng sắn, mía, cỏ voi nhưng giá trị kinh tế mang lại thấp, có những thửa ruộng gần như bà con bỏ hoang hóa. Để tiềm năng, lợi thế của xã thuần nông không bị lãng phí, Đảng bộ, chính quyền xã Thọ Thanh xác định sản xuất nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa; tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền, đổi thửa; tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giúp người dân thụ hưởng nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 30a để đầu tư sản xuất.

Năm 2016, xã bắt đầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất từ quy mô nhỏ sang quy mô lớn trên diện tích 1,5 ha cây ăn quả gồm bưởi, ổi... đến nay trên địa bàn xã đã có 61,8 ha sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 30 ha mía công nghệ cao, 20 ha ớt xuất khẩu, 8 ha cây ăn quả gồm bưởi, ổi, mít thái, bơ; 2 ha rau an toàn, 1,5 ha nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng hậu, 0,3 ha măng tây hữu cơ; đồng thời, thu hút đầu tư dự án trang trại chăn nuôi công nghệ cao và hoa quả sạch với diện tích 22,7 ha.

Là một trong 2 thành viên tham gia cùng đầu tư trồng dưa Kim Hoàng hậu, chị Hoàng Thị Lài phấn khởi nói “Thời tiết thuận lợi nên lứa dưa này quả đều, đẹp, giòn, ngọt và rất thơm”.

Trên diện tích 2.000m2 nhà màng là những luống dưa Kim Hoàng hậu sai trĩu quả, quả nào quả ấy căng mọng, đều tăm tắp. Chị Lài cho biết: Năm 2019, khi chính quyền địa phương tuyên truyền, động viên, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho Nhân dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn, vợ chồng chị và Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh Lê Văn Thượng đã mạnh dạn đấu mối liên doanh liên kết với Nhà máy đường Lam Sơn để nhà máy hỗ trợ một phần vốn đầu tư xây dựng nhà màng, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Nhà máy sẽ thu hồi dần tiền vốn đầu tư theo từng vụ dưa. Theo tính toán của chị Lài, chi phí vốn ban đầu để đầu tư trồng dưa Kim Hoàng hậu khoảng 500 triệu đồng/2.000m2. Nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng bình quân đạt 4,5 đến 5 tấn/vụ (mỗi năm trồng 3 vụ), mang về thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng/năm.

Ngoài 2.000m2 nhà màng trồng dưa Kim Hoàng hậu của chị Lài và ông Thượng, xã Thọ Thanh còn có 13.000m2 nhà màng của 5 hộ đầu tư trồng dưa Kim Hoàng hậu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu tập trung trên vùng đất Khai Hoang. Có thể nói, từ vùng đất trồng những cây mang lại giá trị kinh tế thấp, giờ đây đang được “hồi sinh” nhờ những người nông dân có ý chí, dám nghĩ, dám làm, dám tiếp cận thị trường để đầu tư vào nông nghiệp – lĩnh vực vốn được xem là dễ rủi ro nhất. Vì vậy, để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát huy hiệu quả chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 30a, hướng tới mục tiêu phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, cấp ủy, chính quyền xã Thọ Thanh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt 110 ha, trong đó có 50 ha mía công nghệ cao, 20 ha ớt xuất khẩu, 15 ha cây dược liệu, 10 ha cây ăn quả, 3 ha măng tây hữu cơ, 5 ha rau an toàn, 2 ha nhà lưới, 5 ha trang trại chăn nuôi công nghệ cao.

Hiện tại, trên địa bàn xã đã có 0,3 ha măng tây theo hướng hữu cơ của gia đình chị Lê Thị Hòa, ở thôn Đồng Xuân. Chị Hòa cho biết: Được sự động viên của xã, tháng 7/2020, chị chuyển đổi đất cho 2 hộ dân cùng với diện tích đất của gia đình dồn lại được 0,3 ha, chị đầu tư khoảng 130 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, bạt phủ, mua giống và phân bón, thuê công nhân, trồng măng tây theo hướng hữu cơ. Sau một năm xuống giống và chăm sóc, cây măng tây phát triển nhanh. Đến nay gia đình chị đã thu hoạch được 2 đợt, mỗi đợt thu hoạch khoảng 20 ngày, trung bình mỗi ngày thu hoạch được 12 - 13kg búp. Với giá bán từ 70 - 80 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị thu về khoảng 10 triệu đồng/đợt, cao gấp 2 - 3 lần so với các loại rau màu khác.

“Giá trị cây măng tây mang lại thu nhập cao vì gia đình chị trồng măng theo hướng hữu cơ, chị sử dụng phân bò cùng các phụ phẩm nông nghiệp đã ủ hoai bón cho cây. Sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới cho cây, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và phòng trừ sâu hại. Tuyệt đối chị không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là mô hình hoàn toàn mới trên đồng đất Thọ Thanh nên khi bắt tay vào làm, chị rất lo lắng. Cũng may, mô hình của gia đình chị được thụ hưởng nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 30a để đầu tư sản xuất. Chị cũng thường xuyên được cán bộ khuyến nông huyện hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng tây. Do vậy, việc phát triển vườn măng của gia đình khá thuận lợi.” – chị Hòa nói.

Qua trao đổi với chị Lài, chị Hòa – những người tiên phong trong phong trào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ở Thọ Thanh mới thấy các chị có tư duy nhạy bén với thị trường, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn để thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình tiên phong đó các chị cũng gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật, đặc biệt là quỹ đất. Bởi, nếu làm nông nghiệp công nghệ cao mà không tích tụ được ruộng đất, không có cơ chế giao đất ổn định, dài hạn thì rất khó thực hiện. Vì vậy, những người làm nông nghiệp công nghệ cao ở Thọ Thanh đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương trong việc giải quyết quỹ đất để họ yên tâm đầu tư nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Hà Nam: Áp dụng công nghệ 4.0 bắt kịp xu thế vận động của kinh tế

Hộ kinh doanh cá thể là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (4.0) đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho các hộ kinh doanh phát triển. Trên thực tế, đã có nhiều hộ kinh doanh cá thể chứng minh được tính năng động, nắm bắt tốt cơ hội từ CMCN 4.0, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid - 19.

Cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, hộ kinh doanh cá thể ở Hà Nam có sự tham gia của đông đảo lực lượng lao động trong xã hội, giải quyết nhiều việc làm, nhất là ở vùng nông thôn, góp phần giúp nền kinh tế linh hoạt hơn, thúc đẩy sự phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa… Trong những năm qua, số lượng hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn tỉnh.

ho-ca-the-ung-dung-cong-nghetrong-san-xuat-kinh-d-56-0.jpg

Xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình anh Trần Trung Kiên, xã Đức Lý (Lý Nhân) ứng dụng máy khắc gỗ tự động để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 53,2 nghìn hộ kinh doanh cá thể (gấp gần 8 lần số lượng doanh nghiệp), thu hút trên 91.000 lao động tham gia. Trong đó, riêng đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ, tỷ trọng khu vực cá thể chiếm khoảng 60% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Mức độ tăng trưởng, tính ổn định trong phát triển của kinh tế cá thể đã cho thấy vai trò trọng yếu, tính thích nghi cao của thành phần kinh tế này, ngay cả trong bối cảnh hội nhập với sự phát triển mạnh của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, trước tác động của CMCN 4.0, với những đối thủ cạnh tranh mạnh, hộ kinh doanh cá thể đã trở thành những đối tượng “nhạy cảm”, dễ bị “tổn thương” và khó tồn tại, phát triển bền vững do công nghệ cao và các thành tựu CMCN 4.0 vẫn khá mới mẻ với hộ cá thể. Từ thực tế đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương trong thời gian qua đã tập trung nhiều cho việc hỗ trợ hộ kinh doanh thay đổi công nghệ sản xuất để gia tăng tính cạnh tranh, bắt kịp xu thế vận động chung của nền kinh tế. Thông tin từ Sở Công thương cho thấy, trong giai đoạn 2015-2020, từ nguồn kinh phí khuyến công, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ cho 1 cơ sở xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu; hỗ trợ 22 cơ sở thực hiện đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các mặt hàng may mặc, gỗ mỹ nghệ, dệt vải, chế biến nông sản xuất khẩu, sản xuất than sạch, gạch không nung...

Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương nhận định: CMCN 4.0 với những công nghệ mới đã và đang thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề, mô hình kinh doanh hiện đại, tạo cơ hội tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm cho các hộ kinh doanh. Trí tuệ nhân tạo thay thế cho lao động của con người, không chỉ trong lao động đơn giản mà còn trong nhiều công việc liên quan đến tư duy, logic hay vận động phức tạp. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của những ngành nghề có sự liên quan đến tương tác giữa con người với máy móc.

Việc ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển sản xuất, kinh doanh mặt hàng gỗ mỹ nghệ của hộ gia đình anh Trần Trung Kiên, xã Đức Lý (Lý Nhân) là một minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định của Giám đốc Sở Công thương Lê Nguyên Ngọc. Vì là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nguồn vốn còn hạn chế nên trước đây hầu hết các công đoạn sản xuất tại xưởng gỗ của anh Trần Trung Kiên đều làm bằng phương pháp thủ công. Với một số chi tiết đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao, anh phải thuê các đơn vị lớn, có trang thiết bị máy móc hiện đại thực hiện. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây anh đã đầu tư mua máy khắc tự động (CNC). Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0, anh Trần Trung Kiên đã qua giai đoạn suốt ngày cặm cụi đục đẽo mất rất nhiều thời gian, công sức.

Anh Trần Trung Kiên cho biết: Nhu cầu dùng sản phẩm gỗ mỹ nghệ ngày càng cao, nếu người thợ không áp dụng công nghệ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Việc đầu tư trang thiết bị, nhất là áp dụng công nghệ 4.0 tốn khá nhiều chi phí. Nhưng bù lại, việc sử dụng máy móc giúp các chi tiết hoa văn làm ra trên sản phẩm rất tinh xảo, có sự hài hòa cả về kích thước lẫn màu sắc. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, xưởng gỗ của gia đình tôi đã giảm được đáng kể chi phí sản xuất bởi giảm nhân công lao động, bảo đảm nguồn hàng cung cấp ra thị trường ổn định, chất lượng đồng đều, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Tương tự như anh Trần Trung Kiên, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, cơ sở sản xuất đá cảnh nghệ thuật của anh Nguyễn Ngọc Huân, xã Liêm Cần (Thanh Liêm) cũng ngày càng phát triển, khẳng định được uy tín trên thị trường. Với lợi thế là cử nhân ngành kỹ thuật công trình xây dựng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), anh hiểu rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào việc thiết kế, xây dựng bản vẽ công trình để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Anh Nguyễn Ngọc Huân chia sẻ: Ngoài kiến thức học trong trường, thời gian qua, tôi còn đăng ký tham gia một số khóa học về thiết kế đồ họa 3D, 4D, kỹ năng photoshop… nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tham gia tư vấn thiết kế cho các công trình. Đến nay, cơ sở sản xuất cây, đá cảnh của gia đình tôi đã tạo dựng được uy tín, niềm tin cho đa dạng đối tượng khách hàng, từ cơ quan công sở, đình chùa, nhà riêng, khu sinh thái ở trong và ngoài tỉnh với các sản phẩm chính là non bộ, hồ cá, thi công sân vườn, lắp đặt đồ trang trí sân vườn, cây cảnh các loại... Qua đó, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động trẻ tại địa phương.

Có thể khẳng định, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, việc thực hiện chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu đối với tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có hộ kinh doanh cá thể. Tác động của CMCN 4.0 đòi hỏi hộ kinh doanh cá thể phải thay đổi tư duy kinh doanh từ ngắn hạn sang dài hạn, từ manh mún nhỏ lẻ sang phát triển dài hạn, bền vững; đầu tư thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh để bắt kịp xu thế vận động chung của nền kinh tế.

Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/cong-nghe-tien-tien-chia-khoa-cua-nen-nong-nghiep-hien-dai-post44011.html

Bình luận

Trình làng giống dưa lưới lai F1 'made in Việt Nam' không thua kém hàng ngoại

Giống dưa lưới Hoàng Ngân lai F1 do ASISOV chọn tạo trồng thử nghiệm tại nhiều tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ cho năng suất bình quân đạt 3,5-4 tấn/1.000m2/vụ, lãi 70-80 triệu đồng.

Ứng dụng khoa học-công nghệ giúp nông dân làm giàu

Những năm gần đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí đầu tư, gia tăng thu nhập, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ dân trong vùng...

Tăng cường đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả nông nghiệp Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, bên cạnh nguồn lực hữu hình, cách tiếp cận cần đặc biệt quan tâm tới là xây dựng nguồn lực vô hình: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Khai phá thị trường gia vị từ cá

Thị trường gia vị tưởng nhỏ nhưng hóa ra lại vô cùng lớn và có sức cạnh tranh khốc liệt, chỉ những doanh nghiệp đủ lớn mới tự tin tham gia. Đó là phải đầu tư bài bản, sản phẩm độc đáo, đổi mới cả về nhãn hiệu, bao bì và chính sách chăm sóc người tiêu dùng

Giúp nhà nông làm chủ công nghệ số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu khách quan hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại và người nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp đó - không thể đứng ngoài cuộc.

Hà Nội: Chuyện từ những nông trại công nghệ cao đầu tư tiền "khủng"

Với mục tiêu tạo đột phá cho nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn mới, Hà Nội tiếp tục phát huy tiềm năng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), đặc biệt là tăng cường thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Xu hướng số hóa thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng

Nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam có khả năng giúp đưa đất nước trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Dù sẽ có những thách thức cần vượt qua, song hành trình phát triển này cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho đầu tư trên

Mã số vùng trồng sẽ được cấp... online

Theo kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp năm 2022, Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên đồng bộ hóa dữ liệu ngành trồng trọt, chăn nuôi, trong đó, sẽ số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến (online).

Để nâng cao giá trị chanh leo: Phải đầu tư chế biến sâu

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế nông thôn trong một lần ghé thăm đơn vị, Giám đốc Công ty TNHH Hàm Long - Gia Lai Nguyễn Phúc Hoạt cho biết, nếu có vốn để đầu tư công nghệ chế biến chanh leo sau thu hoạch, thì giá trị sẽ cao hơn rất nhiều.

Sắp ra mắt cổng thông tin điện tử hỗ trợ nông nghiệp trực tuyến

Cổng thông tin điện tử hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử ra mắt vào ngày 1/12 sẽ trở thành cầu nối để chia sẻ thông tin về nông nghiệp.